"Các gia đình đa văn hóa ở Hàn Quốc đang trải qua mức độ phân biệt đối xử và cô lập nghiêm trọng trong cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi có kế hoạch thiết lập cơ sở pháp lý để loại bỏ sự phân biệt đối xử và định kiến xã hội liên quan đến chủng tộc, quốc gia hoặc văn hóa bằng cách sửa đổi Đạo luật hỗ trợ gia đình đa văn hóa", Thứ trưởng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Kim Kyung-sun cho biết tại cuộc họp giao ban tổ chức tại Khu liên hợp Chính phủ Seoul.
Ngày 8/1, phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Giáo dục và Bộ Ngoại giao, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình đã công bố một loạt các biện pháp nhằm xây dựng một xã hội hòa nhập cho các gia đình đa chủng tộc. Các biện pháp toàn diện nhằm cải thiện sự chấp nhận bằng cách đảm bảo cho những người có nền tảng đa văn hóa được tiếp cận bình đẳng với các hoạt động xã hội và các dịch vụ phúc lợi mà không có "điểm mù".
Một nhóm giám sát sẽ sớm được thành lập để theo dõi các biểu hiện phân biệt đối xử trong các ấn phẩm và tài liệu giáo dục do chính quyền trung ương và địa phương phát hành.
Để giải quyết khoảng cách giáo dục và đảm bảo cơ hội giáo dục bình đẳng cho trẻ em đa văn hóa, các buổi tư vấn và thông tin về phát triển nghề nghiệp sẽ được cung cấp thông qua nền tảng thông tin đa văn hóa Danuri. Bộ cũng có kế hoạch phân phối các chương trình giáo dục tiếng Hàn bổ sung để trẻ em đa văn hóa không gặp khó khăn trong giao tiếp trong các lớp học ở vùng sâu vùng xa.
Ông Cha Yoon-gyung - Cựu chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Đa văn hóa Hàn Quốc hoan nghênh các biện pháp hỗ trợ mở rộng cho sinh viên đa văn hóa, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng các chính sách của nhà nước thiếu kế hoạch về cách giáo dục người Hàn Quốc về chủ nghĩa đa văn hóa.
"Các chính sách nên tập trung hơn vào các cách để cải thiện quan điểm và hiểu biết của công dân Hàn Quốc về chủ nghĩa đa văn hóa nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử dựa trên văn hóa. Việc cung cấp cho công chức và học sinh ở trường chỉ vài giờ giáo dục về đa dạng văn hóa sẽ không nâng cao nhận thức về đa văn hóa của họ. Chính phủ nên đưa ra thông điệp mạnh mẽ hơn về không khoan nhượng đối với phân biệt đối xử bằng cách xây dựng luật chống phân biệt đối xử", ông Cha nhấn mạnh.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ tăng cơ hội việc làm cho những người di cư kết hôn sử dụng tài năng song ngữ của họ bằng cách mở rộng số lượng phiên dịch viên tại các trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa và sẽ không ngừng cung cấp cho họ cơ hội việc làm tại các công ty địa phương. Tính đến cuối năm 2020, số thành viên hộ gia đình đa văn hóa đạt 1,06 triệu người, chiếm 2,1% tổng dân số và số lượng ca sinh đa văn hóa là 17.939 người, chiếm 5,9% tổng số ca sinh.
Ngày 8/1, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cho biết, các công ty môi giới hôn nhân bị cấm tiết lộ hình ảnh của khách hàng trong các quảng cáo của họ sau khi thi hành luật sửa đổi. Quy định mới cũng cấm người mai mối đưa thông tin cá nhân của khách hàng như cân nặng và chiều cao vào các đoạn quảng cáo.
Những người vi phạm sẽ phải đối mặt với án tù 3 năm hoặc bị phạt tiền 30 triệu won (27.400 USD), bị đình chỉ hoặc hủy bỏ giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, những người môi giới hôn nhân phải trải qua các chương trình giáo dục bắt buộc về bảo vệ nhân quyền và hiểu biết về xã hội đa văn hóa.
Bộ Bình đẳng giới và Gia đình có kế hoạch thành lập một nhóm giám sát thuộc Viện Sức khỏe Gia đình Hàn Quốc để phát hiện các vi phạm. "Các quảng cáo hôn nhân quốc tế phản cảm về giới tính đối với phụ nữ là vi phạm nghiêm trọng nhân quyền của những người di cư kết hôn và cũng dẫn đến định kiến xã hội và phân biệt đối xử với các gia đình đa văn hóa. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra các chính sách khác nhau để xóa bỏ vi phạm nhân quyền và ngăn chặn sự phân biệt đối xử với những người di cư kết hôn và tăng cường sự chấp nhận đa văn hóa trong xã hội", Bộ trưởng Chung Young-ai, cho biết.
Các cơ sở môi giới hôn nhân quốc tế phải tuân theo Đạo luật về Quy định của Cơ quan Môi giới Hôn nhân, có hiệu lực vào năm 2007. Luật này yêu cầu bên môi giới tuân thủ quy định sắp xếp hôn nhân tại các khu vực pháp lý địa phương, đồng thời cấm quảng cáo ngụ ý buôn bán người hoặc vi phạm nhân quyền.
Năm 2019, 2020, nhiều kênh YouTube của các công ty môi giới hôn nhân Hàn Quốc bị lên án khi tạo ra hàng nghìn video quảng cáo phụ nữ ngoại quốc như "món hàng", kèm theo đó là các thông tin về chiều cao, cân nặng, tuổi tác để đàn ông nước này lựa chọn. Phần lớn video quảng cáo này chứa nhiều nội dung phân biệt đối xử và coi thường phụ nữ, được cho chủ yếu nhắm vào những người đàn ông Hàn Quốc đang kiếm vợ từ các nước Đông Nam Á.
Chúng đang biến tướng thành các video kể chuyện dạng vlog để lách luật. Tổ chức giám sát truyền thông ở Hàn Quốc có tên Liên minh Công dân vì Truyền thông Dân chủ nhận định, việc các kênh YouTube "trưng bày" cô dâu nước ngoài đi ngược lại tinh thần của Luật Môi giới Hôn nhân nước này.
Đầu tháng 10/2020, Trung tâm Quyền Phụ nữ Nhập cư Hàn Quốc đã đưa ra một báo cáo giám sát về 622 video quảng cáo được đăng trên YouTube và khoảng 100 video trên các trang web thông tin. Theo đó, nhiều video bị phát hiện tiết lộ thông tin cá nhân, quay rõ mặt cô dâu trong khi khuôn mặt của chú rể được làm mờ và không có thông tin lý lịch.
Một số video chứa nội dung đánh giá phụ nữ theo kích thước cơ thể, trinh tiết, tuổi tác và trình độ học vấn. Theo Baek So-yoon - Luật sư tại Tổ chức Luật Nhân quyền Gonggam, ngoài có khả năng vi phạm nhân quyền, những quảng cáo gây tranh cãi này còn vi phạm đạo luật về các cơ quan môi giới hôn nhân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn