Hàng chục nghìn người bị ung thư do thảm họa khủng bố 11/9 ở Mỹ

16:14 | 11/09/2019;
Hai tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York (Mỹ) sụp đổ ngày 11/9/2001 đã giải phóng 400 tấn bụi amiăng cùng các chất nguy hiểm khác như chì, thủy ngân, benzen và điôxin ra không khí. 15.000 người đang chết dần chết mòn vì bệnh ung thư và tim mạch do hệ quả môi trường của thảm họa này.
antonio-guterrest.jpg
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterrest

 

Gần 20 năm qua, bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa bị tiêu diệt và nỗi đau khủng bố vẫn còn dai dẳng. Nhân dịp này, LHQ đã kêu gọi chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ nạn nhân vượt qua những hậu quả của khủng bố và xây dựng lại cuộc sống. Kỷ niệm 18 năm Mỹ bị tấn công khủng bố 11/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterrest phát biểu: “Những ký ức đau thương không thể bị xóa nhòa, nhưng chúng ta có thể giúp đỡ các nạn nhân và người sống sót bằng cách tìm kiếm sự thật và công lý, giúp nâng cao tiếng nói và giữ gìn phẩm giá của họ. Chúng ta phải làm nhiều hơn để hỗ trợ nạn nhân và những người sống sót sau khủng bố để họ có thể xây dựng lại cuộc sống và hàn gắn vết thương”.
 
khoi-bui-sau-tham-hoa-119.jpg
Khói bụi mù mịt khi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York (Mỹ) sụp đổ ngày 11/9/2001

  

Khi những tên khủng bố đâm hai máy bay chở khách vào Trung tâm Thương mại Thế giới 18 năm trước, cô Jacquelin Febrillet lúc đó 26 tuổi đang làm việc cách khu vực đó 2 dãy nhà. Đến nay, người mẹ 3 con ở tuổi 44 này được chẩn đoán mắc bệnh ung thư di căn. Nguyên nhân gây ra căn bệnh của cô được suy đoán là do những đám mây bụi độc hại từ vụ tấn công này. Cô nhớ thông điệp mà chính quyền đưa ra sau vụ khủng bố là đưa thành phố trở lại bình thường trong thời gian ngắn nhất. "Tôi đã ở đó ngày 11/9 và mọi người bắt đầu công việc trở lại chỉ sau vài ngày. Nhiều năm sau, tôi vẫn làm việc ở đó, Chúng tôi chưa từng được cảnh báo chuyện gì có thể xảy ra. Tuy nhiên, hãy nhìn những gì đã xảy ra sau vài năm, người ta đang chết dần", cô Febrillet nói.
 
jaquelin-febrillet.jpg
Cô Jacquelin Febrillet tại khu tưởng niệm 11/9 ở nơi từng là Trung tâm Thương mại Thế giới

 

 Còn Richard Fahrer, khi đó 19 tuổi, không ở hiện trường hôm xảy ra khủng bố nhưng thường xuyên khảo sát đất đai trong thời gian 2001 - 2003 ở phía Nam Manhattan, nơi Trung tâm Thương mại Thế giới (Tháp đôi) sập. 18 tháng trước, người bố trẻ 37 tuổi Fahrer bị chẩn đoán mắc ung thư đại tràng xâm lấn, căn bệnh thường xuất hiện ở đàn ông lớn tuổi và trong gia đình Fahrer không ai có tiền sử bệnh.
 
Febrillet và Fahrer đại diện cho một nhóm bệnh nhân, những người sống hoặc làm việc gần Trung tâm Thương mại Thế giới, tâm điểm của vụ tấn công khiến gần 3.000 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương. Họ không nằm trong số hàng nghìn nhân viên cấp cứu có mặt khi khủng bố xảy ra hay những người đã dành nhiều tháng trời dọn dẹp hiện trường nhưng sức khỏe bị ảnh hưởng không kém.
 
khoi-bui-sau-tham-hoa-11.jpg
Những lính cứu hỏa bị ảnh hưởng đến sức khỏe đầu tiên

  

Kỷ niệm 18 năm vụ khủng bố, New York tiếp tục chứng kiến số người mắc bệnh ung thư hoặc những bệnh nghiêm trọng khác vì liên quan tới đám khói độc bao phủ Manhattan trong vài tuần sau vụ tấn công. Vụ tấn công 11/9 giải phóng một lượng hóa chất lớn chưa từng có vào không khí, bao gồm đioxin, amiăng và nhiều chất gây ung thư khác. Lính cứu hỏa, những người có mặt đầu tiên tại hiện trường và tình nguyện viên giúp đỡ dọn dẹp trong nhiều tháng là nhóm người đầu tiên bị ảnh hưởng. Nhiều nghiên cứu cho thấy họ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh ung thư và tim mạch. Theo Chương trình Sức khỏe Trung tâm Thương mại Thế giới, một chương trình điều trị cấp liên bang giúp đỡ những người sống sót, 10.000 người trong số họ bị chẩn đoán mắc ung thư.
 
ky-niem-18-nam-tham-hoa-119.jpg
Một phụ nữ bên tảng đá tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong thảm họa 11/9

  

Theo David Prezant - Giám đốc y tế của sở cứu hỏa New York, một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ung thư "tăng từ 10 đến 30%" ở những người phơi nhiễm với người không phơi nhiễm. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng thêm khi những người phơi nhiễm nhiều tuổi hơn. Nguy cơ ung thư tăng theo tuổi tác và một số loại ung thư, bao gồm ung thư phổi mất từ 20 tới 30 năm mới phát bệnh, Prezant nói thêm.
 
Hai tòa tháp bị sụp đổ ngày 11/9/2001 đã giải phóng 400 tấn bụi amiăng cùng các chất nguy hiểm khác như chì, thủy ngân, benzen và điôxin ra không khí khiến gần 15.000 người mắc bệnh ung thư. Theo Chương trình Y tế của Trung tâm Thương mại Thế giới, bất kỳ ai trong bán kính 2,5 km của tòa tháp đôi đều có nguy cơ tiếp xúc với amiăng cũng như các chất gây ung thư khác như chì, thủy ngân, benzen và điôxin. Theo ước tính, có khoảng 410.000 - 525.000 người, bao gồm hơn 90.000 công nhân, đã phải tiếp xúc với bụi độc hại trong công việc cứu hộ, phục hồi và dọn dẹp sau vụ tấn công. 10.000 người trong số họ đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bởi Chương trình Y tế Trung tâm Thương mại Thế giới, một chương trình điều trị của liên bang nhằm giúp đỡ những người sống sót sau thảm kịch này.
 
ky-niem-18-nam-tham-hoa-119-c.jpg
Lễ tưởng niệm 18 năm

  

Cuối tháng 6 năm nay, 21.000 người không thuộc nhóm có mặt đầu tiên, cũng được đưa vào chương trình. Con số này nhiều gấp đôi so với tháng 6/2016. Trong số này, gần 4.000 người mắc ung thư, phổ biến nhất là ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và ung thư da. Các chuyên gia y tế không thể xác định nguyên nhân gây ung thư ở mỗi bệnh nhân nhưng lưu ý có mối tương quan rõ ràng giữa tỷ lệ người nhiễm bệnh và tỷ lệ người phơi nhiễm với đống đổ nát độc hại. Đó là lý do hồi tháng 7 Tổng thống Mỹ Donald Trump ký dự luật kéo dài thời hạn cho các nạn nhân nộp đơn yêu cầu bồi thường tới tháng 12/2090. Quỹ Bồi thường trị giá 7,3 tỷ USD. Mức bồi thường trung bình cho mỗi bệnh nhân là 240.000 USD hoặc 682.000 USD cho một người tử vong. Luật sư Mattew Baione, người đại diện cho Fahrer và Febrillet trong quá trình nộp đơn bồi thường, cho rằng kéo dài thời hạn là hợp lý để bù đắp suốt đời cho những nạn nhân.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn