Ở nhiều khu văn phòng Hà Nội, để tìm được một hàng ăn bán vào buổi trưa không hề khó. Thậm chí, còn có rất nhiều lựa chọn, từ bún chả, bún đậu, bánh đa, phở, miến… Tuy nhiên, các hàng cơm vẫn được ưu ái hơn cả. Nhất là đối với nam nhân viên, cơm là thứ dễ ăn nhất, mà lại chắc dạ, yên tâm làm việc tới chiều tối.
Thế nhưng, hình ảnh chung của các hàng cơm khu văn phòng Hà Nội là hạn chế về không gian. Đôi khi cũng vì muốn ăn cơm nên nhiều người chấp nhận phải xếp hàng ở những hàng quán có phần chật hẹp, thậm chí đi vào giờ cao điểm phải đợi nửa tiếng mới có chỗ ngồi.
Từ khi văn phòng công ty chuyển về đường Láng, anh Nguyễn Thanh Phong tình cờ tìm được một địa chỉ bán cơm trái ngược hoàn toàn với hình ảnh quán cơm bình dân bấy lâu nay anh đã tới. “Từ công ty anh, đi sang phía bên kia cầu là đường Nguyễn Khang - con đường chỉ rộng 2m với những hàng quán san sát nhau, có quán phải tận dụng cả chân cầu thang của ngôi nhà để dọn chỗ ngồi cho khách. Vậy mà lại có một nơi ngồi ăn với 3 gian nhà, còn có hẳn sân để xe cho khách”.
Chúng tôi đã đến kiểm chứng theo lời giới thiệu của anh Phong. Đi từ đầu dốc tới số nhà 106 Nguyễn Khang vào giờ trưa, quả thật là đã bắt gặp hình ảnh hàng xe xếp san sát nhau, người ra người vào ở hàng cơm bình dân này.
Hàng cơm có thể đi vào từ hai phía.
Đỗ xe ở sân cạnh quán, bước vào cửa, gây choáng ngợp đầu tiên là hơn chục chiếc bàn dài được xếp thẳng hàng, thoáng đãng,các ghế ngồ icó khoảng trống. Cảm giác như đang ở trong một nhà hàng chứ không phải quán cơm bình dân giữa lòng Hà Nội. Hơn nữa, khách còn có thể đi vào từ cửa phía đối diện - thông nhau với hàng bán phở bò vào buổi sáng.
Không gian mà bao hàng cơm bình dân ao ước, lúc nào cũng có nhân viên dọn dẹp.
Giữa những chiếc bàn dài ấy vẫn là một chiếc tủ với vô vàn món ăn quen thuộc, từ rau, mướp đắng nhồi thịt, đậu, thịt kho, thịt luộc, cá… Người đứng phía trong là cô Nguyễn Thị Thanh Hiền, cũng là chủ nhân của hàng cơm bình dân này.
Cô chủ đã đứng tuổi nhưng nhanh nhẹn và niềm nở chỉ các vị khách tự lấy đĩa ở chiếc rổ kế bên rồi ra xếp hàng chờ múc cơm. Ở đây, thay vì chỉ món để người bán lấy giúp thì khách có thể tự cầm kẹp chọn thức ăn sao cho vừa ý.
Sau đó mang ra tính tiền, lúc này một số món như cá kho, thịt kho, thịt luộc, giò, chả được đặt lên chiếc cân để sẵn trên bàn. Hoặc nếu không thì khách cũng có thể gọi theo gam, cô chủ sẽ cân trước rồi mới thái.
Thấy các vị khách mới tỏ ra ngạc nhiên vì hình thức tính tiền như này, cô Hiền nói: “Những miếng đậu hay chả cốm, khổ qua nhồi thịt, nếu nhìn đều đều nhau thì tôi có thể tính nhẩm đồng giá, còn cảm thấy nặng hơn, to hơn hay nhỏ hơn thì cứ cân lên cho dễ tính tiền, tính đồng giá thì thiệt cho mọi người. Vì con người làm mà nên cũng khó đảm bảo có thể đều tăm tắp như trong siêu thị được. Nếu có một mình thì cũng hơi vất vả tính tiền rồi cân đếm nên nhà mình lúc nào cũng có thêm 2-3 người phụ giúp nên không lo, mà khách cũng quen với kiểu mua này rồi".
Bên cạnh những món ăn đã xếp sẵn ra khay thì lúc nào hàng cơm của cô Hiền cũng duy trì 2-3 món nóng sốt, được đặt trên bếp với lửa liu riu, khách đến tự chọn từ trong nồi. “Món tủ của quán là cá sốt chua ngọt, ngày nào anh cũng phải ra trước 12 giờ mới mua được, còn muộn hơn chút thì có khi chỉ còn lại khúc đầu. Cá được giữ nóng nên mềm, không bị tanh, ăn trời lạnh hay nóng đều đưa cơm. Còn nồi bên cạnh, hôm thì cô để sốt vang, hôm thì thịt kho trứng, kho tàu”.
Theo như quan sát, đa phần các vị khách quen của hàng là nam giới, có người làm nhân viên văn phòng, nhưng cũng có cả sinh viên, tài xế công nghệ hay đôi khi cả người dân xung quanh lui tới.
“Giá thành mua nguyên liệu bây giờ cũng không còn rẻ để có thể bán được các suất cơm 15.000đ, 20.000đ như ngày trước nữa. Suất rẻ nhất ở nhà cô là 30.000đ. Nhưng cô cũng cỗ gắng sửa sang lại mặt bằng có sẵn của gia đình, lấy công làm lãi, phục vụ mọi người sao cho có chỗ ngồi thoải mái, cơm canh nóng sốt. Riêng cơm và rau thì khách có thể xin nhiều hay ít, xin thêm mình đều cho”, cô Hiền nói.
Minh Hoàng tới cùng các đồng nghiệp: “Em đã ăn ở đây từ thời còn là sinh viên trường Giao thông vận tải, hồi đó nhà cô cũng rộng nhưng chưa khang trang như bây giờ, mấy năm gần đây mới sửa sang lại. Với em và các đồng nghiệp thì không cần phải nhà hàng cao sang gì cả, chỉ cần một nơi sạch sẽ và cơm canh hợp khẩu vị, hợp túi tiền là được”.
“Chúng mình thường đến đây 2-3 buổi một tuần. Suất cơm nhà cô Hiền đặc biệt nổi tiếng đầy đặn nên chị em sẽ gọi đĩa cơm, rồi chọn thức ăn riêng. Tiền thức ăn thì khoảng 80.000đ - 90.000đ là đủ 2 -3 người ăn”, chị Hà - nhân viên văn phòng gần đó - cho hay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn