Mới đây, chị Ngọc Hoa, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM mua được một số áo quần mới. Là công nhân nhập cư, đồng lương thời gian gần đây khá bấp bênh, nên chuyện chị bỏ hẳn một buổi của ngày nghỉ cuối tuần để mua sắm đã là một “sự lạ” trong cái xóm nhỏ nghèo nàn ấy. Nhưng chuyện chị “khuân” về hẳn một túi xách áo quần - mà lại toàn là đồ mới mua trong siêu thị, cửa hiệu hẳn hoi, chứ không phải hàng “sida” bán vỉa hè - càng là điều khiến mọi người “mắt tròn mắt dẹt” vì ngạc nhiên.
Chị Thoa, ở phòng kế bên, xăng xái chạy qua, giục chị Hoa giở túi đồ ra để cùng “chiêm ngưỡng”. Chị Hoa lần lượt lấy từng món ra: Nào là áo sơ mi, quần kiểu, bộ đồ mặc ở nhà, quần áo bé gái xinh xắn, bộ đồ thể thao cho cậu con trai... Đếm đi đếm lại, được 9 bộ và vài món lẻ. “Chưa bao giờ em dám mua nhiều đến như vậy, nhưng vì thấy rẻ quá nên cứ mua đại về dùng dần”, chị Hoa nói và cho biết toàn bộ số quần áo này chỉ có giá xấp xỉ 1 triệu đồng. Chị Thoa giật mình: “Năm ngoái, mình cũng từng “đánh liều” mua một mớ đồ, cũng xem xem chừng này, nhưng hết tới gần 2 triệu cơ. Sao bây giờ giá hàng hóa lại rẻ đến thế nhỉ?”.
Thấy chị Hoa mua được đồ giá rẻ, mấy chị em cùng xóm trọ cũng háo hức, thi nhau ‘lập kế hoạch’ cùng nhau đi mua sắm. Ảnh minh họa: internet
Chuyện chị Hoa mua đồ vừa đẹp, vừa rẻ nhanh chóng lan ra khắp xóm trọ, trở thành đề tài bàn luận của hầu hết chị em ở đó. Mặc dù tháng vừa rồi tiền lương công ty trả thấp hơn tháng trước mấy trăm nghìn đồng, vì có mấy ngày nghỉ do thiếu việc, nhưng khi thấy chị Hoa mua được đồ giá rẻ thì ai cũng háo hức, thi nhau “lập kế hoạch” để cùng nhau đi mua sắm.
Tuy nhiên, có một câu chuyện của chị Thanh Tuyền, công nhân may ở một công ty khác, đã khiến nhiều người cảm thấy “ai ngại”. Chị Tuyền cho biết: “Trước đây, giá hàng hóa khá đắt nên công ty em sản xuất cầm chừng, không bung hàng ra quá nhiều. Gần đây, giá hàng hóa có xu hướng giảm, kích thích nhiều người đi mua sắm nên lượng hàng công ty sản xuất cũng nhiều hơn hẳn. Tuy nhiên, trước kia thì nguyên liệu nhập về toàn những thứ từ hạng khá trở lên, còn gần đây thì mấy anh bên kỹ thuật có cho biết, nguyên liệu đã bị “hạ cấp”, không có nhiều loại tốt như trước. Một chị ở bên kế toán nói rằng, để đảm bảo lợi nhuận thì buộc phải giảm chất lượng. Do đó, có thể mới nhìn qua thì thấy những mẫu hàng mới cũng bóng bẩy, cũng đẹp như trước, nhưng thật ra thì nó kém xa về độ bền so với những lô hàng trước đây”.
Dân gian vốn có câu “tiền nào của nấy”, tức khi tốn nhiều tiền để mua một món đồ thì người mua sẽ nhận được sản phẩm với chất lượng tương xứng. Còn ham mua rẻ thì rất dễ mua trúng hàng “dỏm”. Cái “hằng đẳng thức” ấy dường như đang có cơ vận vào tình hình thị trường hiện nay. Một khi mặt bằng giá cả thị trường xuống thấp, thì các doanh nghiệp chắc chắn phải tính toán để đảm bảo lợi nhuận. Thậm chí, không ít doanh nghiệp còn tính tới việc bù đắp những thiệt hại mà họ đã từng phải gánh chịu trong giai đoạn giá hàng hóa đắt đỏ, khiến người dân phải thắt lưng buộc bụng... hết cỡ. Giá hàng hóa giảm, có thể sẽ kích thích nhu cầu mua sắm, và đó là cơ hội để các doanh nghiệp có thể bán được nhiều hàng hóa, sản phẩm song, chất lượng hàng hóa vẫn đang là một ẩn số đầy... bí ẩn!
Mong sao, trong đợt giảm giá hiếm hoi của thị trường hiện nay, các doanh nghiệp hãy coi trọng chữ Tín để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nếu sản phẩm của họ được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, thì chắc chắn lợi nhuận cũng sẽ được đảm bảo.