Tổng hợp từ các báo cáo của Cảng vụ hàng không trong giai đoạn 5 tháng đầu năm, ghi nhận tổng cộng 111.872 chuyến bay từ 6 hãng hàng không. Trong đó, tháng 1 có lượng chuyến bay nhiều nhất, hơn 27.300 chuyến.
Tổng số chuyến bay chậm chuyến là 13.762 chuyến, chiếm tỷ lệ 11,7%. Con số này tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Số chuyến bay bị hủy đã giảm 0,5 điểm so với cùng kỳ, đạt tỷ lệ 0,32%.
5 tháng đầu năm 2023, Bamboo Airways tiếp tục là giữ vị trí quán quân cho hãng hàng không bay đúng giờ nhất, tỷ lệ tới 95,6%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ trung bình ngành là 88,3%. Kế tiếp vị trí á quân là Vietnam Airlines với 89,4%; VASCO đạt 89,3%; Pacific Airlines đạt 86,3%; Vietravel đạt 86,1%; VietJet Air đạt 84,8%.
Ghi nhận tại thống kê, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm chuyến chủ yếu đến từ việc máy bay về muộn khiến nhiều chuyến bay cất cánh muộn hơn so với giờ dự kiến. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác tác động tới giờ bay bị "delay", bao gồm: hãng hàng không; trang thiết bị và dịch vụ tại Cảng; thời tiết; quản lý, điều hành bay và các lý do khác.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm, ngành hàng không đã ghi nhận nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch. Tổng thị trường hành khách 6 tháng đầu năm, ước tính đạt 34,7 triệu khách, tăng 49,6% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó, khách quốc tế đạt 14,7 triệu khách, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ, đạt 73,5% so với cùng kỳ 2019. Khách nội địa giảm nhẹ so với cùng kỳ 2022 là 3,4% nhưng vẫn tăng 8,1% so với cùng kỳ 2019.
Những con số trên đạt được, một phần nhờ vào các kế hoạch mở rộng khai thác từ các hãng hàng không. VietJet Air mới mở thêm nhiều đường bay nội địa và quốc tế (Ấn Độ, Indonesia, Úc,...). Vietnam Airlines khôi phục lại toàn bộ đường bay nội địa và khai thác trở lại khoảng 90% đường bay quốc tế so với trước dịch. Còn tại Bamboo Airways, khai thác đường bay từ Hà Nội - Cà Mau đã giúp hãng hoàn thiện được mục tiêu kết nối toàn bộ 22 cảng hàng không thương mại trên toàn quốc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn