Chị Thu Hà, một tiểu thương kinh doanh vải tại chợ Bến Thành (quận 1) cho biết, đa số khách mua vải với số lượng lớn tại chợ là du khách nước ngoài. Trong khi đó, do dịch bệnh nên lượng khách du lịch hiện rất ít, sức mua giảm đến 70%-80% so với trước kia. Doanh thu mỗi ngày chỉ đủ để tiểu thương trả tiền thuế, phí và tiền nhân công. "Mặc dù kinh doanh khó khăn nhưng bản thân tôi cũng phải cố gắng để vượt qua. Tuy nhiên, có những người do khó khăn quá, không gắng gượng được nữa thì đành phải cho thuê, sang nhượng lại sạp để đi tìm công việc khác phù hợp hơn", chị Hà cho hay.
Tại chợ An Đông (quận 5), một trong những trung tâm bán sỉ lâu đời tại thành phố, giờ đây cũng vắng người mua. Dạo quanh một vòng chợ, dễ dàng nhận thấy cảnh mua bán đìu hiu, nhiều tiểu thương uể oải ngồi bấm điện thoại hoặc "tám" chuyện. Tại chợ này, cũng không khó để bắt gặp hình ảnh những tờ thông báo được dán trên những cánh cửa sạp đóng im ỉm với nội dung cho thuê hoặc sang sạp, kèm theo đó là số điện thoại liên lạc với chủ sạp. Chị Thanh Huyền, một tiểu thương bán quần áo tại chợ cho biết, mỗi tháng chị đang phải đóng 12 triệu đồng để duy trì sạp, gồm 1 triệu tiền phí, 4 triệu tiền thuế, tiền nhân công khoảng 7 triệu. Do lượng khách hàng ít nên chị đang gặp rất nhiều khó khăn. "Trước đây, khách ở các tỉnh, thành lấy sỉ quần áo nhiều, còn giờ đây lượng khách rất ít, bán rất chậm. Buôn bán khó khăn nên nhiều người đành phải cho thuê hoặc sang sạp", chị Huyền cho biết.
Không chỉ tại chợ Bến Thành, An Đông mà nhiều chợ khác trên địa bàn thành phố như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định (quận 1)… cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Chị Lan, một tiểu thương tại chợ Bà Chiểu, cho biết, trước đây chợ lúc nào cũng tấp nập khách mua hàng nhưng bây giờ thì vắng hẳn. Theo chị Lan, dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều người chọn mua hàng online thay vì đến chợ mua hàng trực tiếp. Ngoài ra, tiểu thương ở chợ còn khó cạnh tranh với hàng hóa ở siêu thị, hàng rong vì sự tiện lợi và giá cả.
CẦN XÂY DỰNG PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG PHÙ HỢP
Đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành cho biết, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, số lượng tiểu thương mở sạp trở lại tăng dần nhưng hiện nay mới có 500 sạp được mở, đạt khoảng 40% quy mô chợ. Đại diện Ban quản lý chợ cho rằng, phần lớn khách đến với chợ là khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài nhưng hiện nay khách du lịch đang ít nên ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán tại chợ. Bên cạnh đó, xung quang chợ có nhiều lô cốt do xây dựng tuyến Metro số 1 nên cũng phần nào ảnh hưởng đến việc người tiêu dùng ghé mua sắm tại chợ. "Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, thành phố đã có hỗ trợ cho tiểu thương. Hiện Ban quản lý chợ vẫn tiến hành tuyên truyền, vận động tiểu thương kinh doanh, buôn bán. Chúng tôi cũng đang kết nối với các đơn vị, cơ quan quản lý và hoạt động du lịch để tăng cường nguồn khách cho chợ", đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành cho hay.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, từ khi thành phố bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, các quận, huyện, TP.Thủ Đức đã tích cực vận động và đưa các chợ truyền thống trở lại hoạt động sau khoảng thời gian đóng cửa để phòng, chống dịch. Đến nay, đã có khoảng 92% chợ đi vào hoạt động, một số chợ đang tạm ngưng để đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Lý giải nguyên nhân một số chợ truyền thống vắng vẻ, ế ẩm, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số tiểu thương đã chuyển đổi từ kinh doanh trực tiếp sang trực tuyến. Bên cạnh đó, có nhiều tiểu thương về quê tránh dịch và chưa quay trở lại. Thời gian tới, để vực dậy và phát triển chợ truyền thống, Sở Công Thương thành phố định hướng các chợ xây dựng phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới; trong đó đẩy mạnh lợi thế của các chợ như nguồn gốc hàng hóa, giá cả hợp lý… Đồng thời, Sở cũng sẽ làm việc với các địa phương để đề ra giải pháp hiệu quả, giúp tiểu thương dần vượt qua khó khăn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn