Đã lâu rồi anh mới trở lại quê nhà dù cha mẹ, anh chị và họ hàng vẫn ở đây. Nhưng vì guồng quay cuộc sống, vì đường sá xa xôi nên việc anh lâu lâu mới về thăm nhà âu cũng là một điều dễ thông cảm.
Anh về, thấy đường làng ngõ xóm đã được cơ giới hóa, không còn bùn đất lấm lem như xưa. Nhìn người dân vất vả cả đời, anh thấy thương thương trong lòng. Nên khi thấy cuộc sống của những người dân quê đã sang trang với nước sạch về tận nhà, đường làng ngõ xóm được đổ bê tông, anh cũng lấy làm mừng. Vậy thì, liệu mong muốn được giữ lại những hàng rào, anh có tham lam quá không?
Hàng rào nhà quê thường được tạo nên từ những giậu cúc tần, những hàng cây dâm bụt, cây cơm nguội... Đơn sơ vậy mà yên bình, mà nhớ mãi! Ngày xưa, mỗi lần người lớn đi ra đồng, tụi trẻ con lại tụ tập ở những hàng rào, hết bứt lá đến bứt hoa, quả để chơi trò gia đình và những trò không tên khác. Trò chơi của trẻ quê cũng bình thường, giản dị ấy vậy mà vui, mà nhớ mãi! Cứ thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, những hàng rào nhà quê nuôi chúng lớn khôn, làm giàu có thêm tâm hồn, ký ức của mỗi người.
Thực ra, cái hàng rào đôi khi chỉ có tác dụng ngăn gà vịt, còn với hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, cái hàng rào có mà như không có. Vì cái tình người, tình quê luôn luôn và mãi mãi không bao giờ có thể ngăn cách được.
Nói về cái tình người, tình quê thì có lẽ không có thứ tình gì có thể so sánh được.
Lại nhớ mấy bà già cùng quê, sau những lần ra phố thăm con cháu, mỗi lần về lại thở dài thở ngắn: Không ở đâu buồn như ở phố, hàng xóm láng giềng ai biết nhà nấy.
Anh nghe những lời than phiền của mấy bà già, hình dung ra cảnh tượng mấy bà già bị 'nhốt' trong nhà từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều. Chỉ đến lúc con cái đi làm về, các bà ấy mới được 'thả lỏng'. Và trong khi ở nhà một mình, chắc chắn sẽ có bà ngồi nhìn xa xăm qua đường cái, thèm ra lắm nhưng làm sao ra được khi trước mặt là cánh cổng sắt to đùng, chắc chắn. Cũng có bà sẽ nằm ủ rũ trên giường, xem ti vi hoặc ngồi bỏm bẻm nhai trầu, nhai một cách miệt mài. Nhiều bà cũng muốn làm một cái gì đó để khỏi tù túng chân tay nhưng ở thành phố, đâu có những công việc phù hợp để cho các bà 'mua vui'. Vậy là các bà đành chịu cảnh 'ăn không ngồi rồi'. Được vài ba bữa như thế, các bà nằng nặc đòi về. Lẽ dĩ nhiên, con cái sẽ phải cho các bà về.
Mấy bà già được về quê, vui mừng chẳng khác nào 'chim sổ lồng'. Việc đầu tiên của mấy bà là tụ tập mấy bà bạn già dưới bóng râm của những cây bàng, cây vông đầu ngõ, cùng chia cho nhau những miếng trầu tươi giòn. Nhìn những cặp môi quết trầu đỏ tươi của các bà thấy cuộc đời đáng yêu và tươi đẹp làm sao!
Anh lại nhớ ngày xưa, hồi anh còn nhỏ, nhà anh và nhà chú Dung ở cạnh nhau. Hai nhà thân thiết và gắn bó qua những lần sử dụng chung đồ đạc, mỗi khi nhà bên này có món gì đó đặc biệt hơn một chút lại mang sang cho nhà bên kia và ngược lại.
Giữa hai nhà có một hàng rào được trồng bởi những cây duối xanh tươi. Nhà thì sát sàn sạt mà ngõ lại xa xôi, vậy là mọi người cứ vậy mà vượt qua hàng duối xanh để sang nhà nhau. Hàng duối càng ngày càng bị dẫm nát, tả tơi. Sau này, nhà chú Dung cho xây lên một bức tường bằng gạch, trông cũng hết sức kiên cố. Nhưng chỉ được thời gian đầu, vì sau đó, không chỉ trẻ con mà người lớn ở hai nhà đều vượt tường để sang. Được một thời gian, bức tường được xây bằng gạch đó lại sụp đổ. Chỉ đến sau này, khi nhà chú Dung xây bếp vào mảnh đất đó thì lối đi lại của hai nhà buộc lòng phải đi bằng ngõ chính.
Khi không còn hàng rào thì ngõ chính lại trở nên gần gụi hơn bao giờ hết.
Anh đứng nhìn những bức tường đang xây dang dở, lòng ngổn ngang trăm bề. Bất chợt, bên nhà hàng xóm, có tiếng ai hát nghêu ngao: 'Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/Cách nhau cái giậu mộng tơi xanh rì…'. Lúc đó, anh thấy trống trải vô cùng!
Những hàng rào chỉ có thể mọc lại khi chặt đi. Còn lúc được thay vào những bức tường kiên cố thì niềm hy vọng gặp lại những mồng tơi, cúc tần, dâm bụt sao mà thấy mong manh quá đỗi!