Nông dân lao đao bởi hạn hán
Gần 1 tháng nay, trên địa bàn huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) không có mưa. Nắng nóng kéo dài nên lượng nước trên các sông, khe suối, ao, hồ ở đây đang ở mức thấp và cạn kiệt dần. Cuộc sống của người dân ở nhiều địa phương của huyện hiện đang gặp khó khăn do thiếu nước sinh hoạt. Một số loại cây trồng như chè, cam, chanh có nguy cơ bị chết khô, cháy...
Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện Con Cuông có hơn 1.442 hộ dân ở các xã Đôn Phục, Mậu Đức, Thạch Ngàn, Yên Khê, đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nguyên nhân là do, liên tiếp trong nhiều tháng qua, trên địa bàn mưa rất ít, thời tiết hanh khô kéo dài, các giếng nước của người dân đã bị khô trơ đáy, các khe suối đã cạn kiệt. Người dân đã phải đi chắt từng can nước ở khe suối về dùng.
Bà Lang Thị Hòa ở xã Mậu Đức cho biết: Hơn một tháng nay trời không có mưa, gia đình có hai giếng nhưng đến nay đều đã khô cạn. Để có nước sinh hoạt hàng ngày bà đã phải đi 2-3km, để lấy nước khe về dùng. “Chúng tôi biết, lấy nước ở khe suối để dùng là không đảm bảo vệ sinh nhưng không lấy ở đó thì chúng tôi biết lấy ở đâu. Không biết chúng tôi phải chịu đựng cảnh thiếu nước sinh hoạt đến bao giờ”, bà Hoa cho biết”.
Riêng tại bản Khe Tín, xã Yên Khê với 42ha chè công nghiệp thời kỳ kinh doanh thì có đến 30ha chè bị cháy lá. Nhiều cây đã chết khô. Nếu 10 ngày tới không có mưa, nền nhiệt vẫn cao thì nguy cơ chè chết do nắng hạn lến đến 70 - 80 diện tích hiện có.
Còn tại huyện Anh Sơn, hiện có trên 200ha chè công nghiệp thời kỳ kinh doanh bị cháy nắng. Mặc dù một số nơi bà con nhân dân dùng bơm tưới nhưng vẫn không cứu vãn được tình thế. Nắng nóng với nhiệt độ cao khiến lá chè và cảnh bị khô héo.
Tại huyện Thanh Chương, hiện có 4500ha chè công nghiệp, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài làm cho trên 5ha chè bị cháy hoàn toàn, trên 400ha chè bị sém đang có nguy cơ bị cháy, chết nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài.
Ông Đặng Duy Lợi, xóm 4 Tổng đội Thanh Đức cho biết: “Nhà ông trồng trên 3ha chè đang thu hoạch năm thứ tư, năm nay mới thu hoạch được 2 lứa, gia đình đã nỗ lực bằng các giải pháp chống hạn như mua máy phát điện, máy bơm, lắp đặt thêm đường ống dẫn nước hệ thống tưới tập trung vào thời điểm chiều và đêm, riêng hơn 1ha chè trồng mới được tưới liên tục trong ngày".
Nhưng do nắng nóng gay gắt kéo dài đã làm hơn 3ha chè đang chuẩn bị thu hoạch lứa thứ 3 bị mất trắng. Các chi phí đầu tư cho công tác chống hạn cứu chè của gia đình ông như máy phát điện, máy bơm, đường ống dẫn nước và hệ thống tưới lên đến thời điểm này là hơn 80 triệu đồng, chưa kể chi phí ngày công lao động của gia đình và thuê mướn nhân công.
Không chỉ có gia đình ông Lợi mà hiện nay hàng trăm ha chè của bà con xóm 4 Tổng đội Thanh Đức bị sém lá, đang có nguy cơ mất trắng.
Oằn mình chống hạn
Để hạn chế thiệt hại do hạn hán gây nên, UBND huyện Con Cuông đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan có nhiều giải pháp đồng bộ giúp người dân chống hạn. Trưởng Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Con Cuông Lô Văn Lý cho biết, trước tình hình nắng hạn đang diễn ra, UBND huyện chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn huy động người dân nạo vét các kênh mương, khơi thông dòng chảy, tích trữ nguồn nước, có kế hoạch sử dụng nước một cách tiết kiệm. Con Cuông đã lập đoàn đi kiểm tra hệ thống kênh mương, hồ đập thủy lợi, nước sinh hoạt người dân, thống kê diện tích bị ảnh hưởng để có những giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.
“Trước mắt, để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân, huyện đã trích kinh phí 295 triệu đồng hỗ trợ các xã, đào 32 giếng khơi dọc khe, điểm có nguồn nước ngầm cao; Hỗ trợ 6 tẹc nước 2000 lít dẫn nước từ công trình nước tự chảy, giếng khoan phục vụ 6 cụm dân cư; Hỗ trợ 2 tẹc 500 lít để làm bể thu và 2.200m đường ống để dẫn nước khe về 2 cụm dân cư…”, ông Lý nói.
Tại huyện Anh Sơn, đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật phòng nông nghiệp huyện và các xã vùng chè trực tiếp về các đồi chè để tìm phương án khắc phục tối ưu nhất, song rất khó khăn bởi nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới bị cạn kiệt. Bên cạnh đó, một số nơi nguồn điện yếu nên không thể cùng lúc sử dụng nhiều bơm tưới hoạt động.
Nắng nóng kéo dài, UBND huyện Thanh Chương cho biết, địa phương cũng đã tập trung chỉ đạo UBND các xã cùng với người dân bằng mọi biện pháp, dốc toàn bộ nguồn lực để cứu cây chè. Nếu thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng, không có mưa thì nguy cơ diện tích chè bị thiệt hai sẽ tăng lên, do thiếu nguồn nước chống hạn, hiện tại các hồ đập, khe suối vùng này đang bị cạn kiệt.