Hàng trăm người dân kiện UBND tỉnh Bắc Giang ra tòa: Tạm ngừng phiên tòa

10:58 | 04/11/2018;
Sau 4 ngày mở phiên tòa xét xử vụ án hàng trăm người dân khởi kiện UBND tỉnh Bắc Giang, HĐXX TAND tỉnh Bắc Giang đã cho tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại Điều 187 Luật Tố tụng hành chính và sẽ mở lại vào ngày 28/11/2018.

Đại diện chính quyền: “Chúng tôi luôn làm đúng”

Ngày 1/11 là ngày xét xử thứ 4 của phiên tòa hơn 100 người dân ở huyện Yên Thế (Bắc Giang) khởi kiện quyết định hành chính số 35/QĐ-UBND ngày 27/1/2015 của UBND tỉnh Bắc Giang. Quyết định này cho Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Yên Thế (Cty Lâm nghiệp Yên Thế) thuê rừng gắn với thuê đất lâm nghiệp để sản xuất kinh doanh lâm nghiệp tại huyện Yên Thế, nhưng trên thực tế lại bao chồng lên hàng nghìn ha rừng mà người dân được giao và cấp Sổ xanh (Giấy chứng nhận quyền quản lý kinh doanh rừng và đất lâm nghiệp có thời hạn 30 năm) hoặc ký hợp đồng trồng rừng, bảo vệ rừng có thời hạn 50 năm từ những năm 1990, 2000.

Sau gần 3 ngày dành thời gian cho hai bên hỏi đáp lẫn nhau, vào cuối ngày xét xử thứ 3 và sang ngày thứ 4, HĐXX đã điều khiển phiên tòa bước vào phần tranh luận.

Tại phần tranh luận, các đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho UBND tỉnh Bắc Giang, huyện Yên Thế, Cty Lâm nghiệp Yên Thế vẫn luôn khẳng định mình làm đúng, không gây thiệt hại gì đến quyền lợi của các hộ dân.

toa.jpg
Những người dân khởi kiện UBND tỉnh Bắc Giang tại phiên tòa

 

Cũng tại phiên tòa này, một số vị chủ tịch xã nơi có người dân khởi kiện cho rằng, Sổ xanh mà UBND huyện Yên Thế cấp cho người dân trước đây là sai vì nó chồng lấn lên diện tích đất rừng của Lâm trường Yên Thế được Nhà nước cấp từ năm 1963, nên cần phải thu hồi.

Trong khi đó, ông Ngô Văn Xuyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho UBND tỉnh Bắc Giang khi trả lời HĐXX đã cho biết: Đất của Lâm trường Yên Thế được cấp từ năm 1963 với hơn 15.700 ha, nhưng không có sơ đồ, vị trí cụ thể.

Cũng theo ông Xuyên, Sổ xanh của người dân ở huyện Yên Thế được cấp không phải là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì nó không theo mẫu như Luật Đất đai quy định.

Nếu theo lý giải như trên của ông Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang, không biết phải gọi Sổ xanh của bà con ở huyện Yên Thế là cái gì?

Tại sao cán bộ ở huyện Yên Thế có mặt tại Tòa thì khẳng định Sổ xanh của bà con là cấp sai, cần phải thu hồi, nhưng trên thực tế cho đến nay, chưa có bất cứ một quyết định của cơ quan có thẩm quyền nào thu hồi? Còn chính ông Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh lại nói Sổ xanh đó không hợp pháp. Phải chăng vì kiên quyết bảo vệ Quyết định số 35, nên các vị cán bộ này phải dùng những cách đó phủ nhận Sổ xanh của bà con?

img_1914.JPG
Quyết định tạm ngừng phiên tòa của TAND tỉnh Bắc Giang

Làm sai thì phải thừa nhận

Căn cứ vào hồ sơ vụ án, có cơ sở để khẳng định: Năm 1993, căn cứ Luật Đất đai, Quyết định số 184/HĐBT, Quyết định số 327/HĐBT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Quyết định 678/UB của UBND tỉnh Hà Bắc, UBND huyện Yên Thế cấp cho các hộ dân Sổ xanh với nội dung: “giao cho ông/bà…được quản lý, sản xuất, kinh doanh rừng và đất lâm nghiệp” với thời hạn 30 năm.

Năm 1996, UBND huyện Yên Thế ban hành Công văn số 206 ngày 18/05/1996 hướng dẫn Lâm trường Yên Thế lập kế hoạch thu hồi Sổ xanh và thay thế hợp đồng giao khoán với Lâm trường theo Nghị định số 01/CP ngày 04/01/1995 của Chính Phủ về việc quy định giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp nhà nước.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, Lâm trường Yên Thế thu hồi Sổ xanh, hứa hẹn sẽ trả lại cho người dân Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thời hạn sử dụng là 50 năm.

Từ ngày bị thu Sổ xanh, người dân bị Lâm trường Yên Thế ép buộc thanh lý các Hợp đồng giao khoán thì mới được khai thác rừng do chính mình trồng và nộp lại cho Lâm trường 15% giá trị khai thác hoặc 28 khối gỗ/ha rừng quản lý.

Theo luật sư Vũ Văn Thiệu, (Công ty Luật hợp danh INCIP, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc thu hồi Sổ xanh và ban hành Quyết định số 35 của UBND tỉnh Bắc Giang có rất nhiều sai phạm, cụ thể:

UBND huyện Yên Thế là cơ quan cấp Sổ xanh cho người dân, do đó là cơ quan có thẩm quyền thu hồi lại. Lâm trường Yên Thế là một doanh nghiệp, hoạt động độc lập, không phải là một cơ quan trực thuộc UBND huyện Yên Thế, nên việc Lâm trường Yên Thế tiến hành thu hồi Sổ xanh do UBND huyện Yên Thế cấp cho các hộ dân được quyền quản lý đất rừng là không đúng thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về quản lý đất đai. Hơn nữa, nội dung Công văn số 206 của UBND huyện Yên Thế cũng không có bất kỳ nội dung nào thế hiện các Sổ xanh được cấp cho bà con là cấp trái pháp luật, chồng lấn lên đất của Lâm trường.

Công văn 206 yêu cầu Lâm trường phải có có kế hoạch cụ thể gửi về UBND huyện và phải mở hội nghị triển khai xuống xã để thực hiện. Tuy nhiên, Lâm trường Yên Thế không có kế hoạch thu hồi cũng không mở hội nghị triển khai xuống xã. Như vậy, việc sử dụng Công văn 206 để thu hồi Sổ xanh của các hộ dân là hoàn toàn trái pháp luật.

UBND huyện Yên Thế và Lâm trường Yên Thế đều đã thừa nhận việc thu hồi các sổ xanh, nhưng các Sổ xanh thu hồi đều không còn được lưu giữ theo quy định chung.

Tại Phần xét hỏi công khai tại phiên tòa, Đại diện theo pháp luật của Cty Lâm nghiệp Yên Thế (ông Hoàng Văn Chúc) đã trả lời không được bàn giao tài liệu nào là Sổ Xanh.Tuy nhiên, tại Biên bản xác minh ngày 31/01/2018 do các luật sư thực hiện, ông Đặng Quang Tuyến (nguyên Trưởng Phòng quản lý bảo vệ Công ty Yên Thế), đã thừa nhận: “Năm 2013, ông Hoàng Văn Chúc, giữ chức vụ Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế, chỉ đạo cho cán bộ kỹ thuật là ông Nguyễn Văn Nam và ông Hoàng mang toàn bộ số sổ xanh nêu trên đem đốt để tiêu hủy tại đầu hồi phòng quản lý bảo vệ. Lúc này, tôi đã rút lại khoảng chục quyển (10 quyển) sổ xanh. Trong đó, tôi đã giao nộp cho Công an huyện Yên Thế vào khoảng tháng 11/2017 tám quyển”.

Về nội dung, Quyết định số 35 đã cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác.

Hiện tại, trong những người khởi kiện vẫn còn những hộ dân đang lưu giữ Sổ Xanh, công nhận quyền sử dụng đất rừng của mình. Các hộ dân khác được cấp Sổ xanh, nhưng chưa được thu hồi một cách hợp pháp thì Sổ xanh vẫn có giá trị pháp lý, xác định quyền sử dụng đất của mình. Do đó, việc UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định 35 nhưng không thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định tại Điều 53 Luật Đất đai là vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của người dân.

Ngoài những vấn đề trên, còn rất nhiều “vấn đề” trong việc UBND tỉnh Bắc Giang cho Cty Lâm nghiệp Yên Thế thuê đất; Phê duyệt phương án sử dụng đất của Cty Lâm nghiệp Yên Thế; Việc thực hiện các thủ tục về đầu tư Dự án; Cho thuê rừng… Báo PNVN sẽ đề cập đến các sai phạm này trong một dịp khác.

Điều 187 Luật Tố tụng hành chính - Tạm ngừng phiên tòa

  1. Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có quyền tạm ngừng phiên tòa khi có một trong các căn cứ sau đây:
    a) Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, trừ trường hợp thay thế được người tiến hành tố tụng;
    b) Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, trừ trường hợp người tham gia tố tụng có yêu cầu xét xử vắng mặt;
    c) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa;
    d) Cần phải báo cáo với Chánh án Tòa án có thẩm quyền để đề nghị, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 111 của Luật này;
    đ) Các bên đương sự đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để các bên đương sự tự đối thoại;
    e) Chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại quy định tại khoản 4 Điều 185 của Luật này.

  2. Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không được quá 30 ngày kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa, nếu lý do để tạm ngừng phiên tòa không còn. Hết thời hạn này, nếu lý do tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục, Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án và thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn