Hàng triệu gia đình bị ảnh hưởng bởi thực phẩm bẩn không được thống kê

11:20 | 05/06/2017;
Vấn đề an toàn thực phẩm không mới, với những vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra thường xuyên; nhưng vẫn là chủ đề nóng được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại hội trường sáng nay 5/6.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sáng 5/6, quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Theo báo cáo của Chính phủ về quản lý an toàn thực phẩm, trong giai đoạn 2011 - 2016, toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mắc và 164 người chết.

Trung bình có 167,8 vụ ngộ độc/năm với 5.065,8 người mắc/năm và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm.

Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn Đắk Nông, những số liệu nêu trên chỉ là “phần nổi tảng băng ngộ độc thực phẩm”. Thực tế, hàng triệu gia đình bị ảnh hưởng, mắc các bệnh nhẹ từ thực phẩm bẩn, mà mỗi gia đình phải “tự xử”, không được các cơ sở y tế ghi nhận trường hợp bị ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó còn hàng loạt các bệnh tật khác phát sinh từ việc tích tụ chất bẩn, chất độc thông qua thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn.

Một thực tế khá chua chát đại biểu Giang nêu ra, không ít gia đình “đành phải phó mặc may rủi, số phận với thực phẩm bẩn”.

Theo đại biểu này, để tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, “trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý nhà nước; rồi đến trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình kinh doanh thực phẩm”. Trong quản lý chuỗi thực phẩm từ “nơi sản xuất đến bàn ăn” còn nghiều gấp khúc, tạo nhiều khoảng trống. Còn người dân thì chịu hậu quả.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, đại biểu này kiến nghị thiết lập đường dây nóng như 113, 115, để người dân dễ nhớ, phản ánh vi phạm pháp luật an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt cơ sở xả thải, đặc biệt là các khu sản xuất tập trung, khu công nghiệp làm ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, các thôn, làng, bản đều có hương ước, đây là cơ chế tự quản để xử lý các vấn đề cộng đồng, cụ thể như vấn đề an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, đại biểu Giang kiến nghị cần có cơ chết tốt hơn phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị; đặc biệt là Hội LHPN. Hội viên là những người có vai trò rất quan trọng trong sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ tại cộng đồng; cũng như vai trò của mỗi phụ nữ trong việc chăm lo bữa ăn cho chính gia đình mình.

 đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn Hà Nội

Đồng quan điểm, đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn Hà Nội, phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, an toàn của thực phẩm. Đại biểu này nêu thực trạng lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy bị ô nhiễm nghiêm trọng, phải hứng chịu lượng chất xả thải khổng lồ. Chính nguồn nước ô nhiễm từ 2 con sông này đã làm ảnh hưởng tới chất lượng rau mầu, vật nuôi của các hộ sản xuất, nuôi trồng thuộc 5 tỉnh thành như Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam...

Để bảo vệ sức khỏe cho hơn 12 triệu người tiêu dùng khu vực này, đại biểu Ánh đề nghị “cần trả lại sự trong sạch cho 2 con sông này”, kiểm soát chặt chẽ nước xả thải của các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn