Hàng triệu nữ lao động chuỗi cung ứng siêu thị không đủ ăn, làm việc khắc nghiệt

16:08 | 21/06/2018;
Chính họ hoặc thành viên gia đình họ đã không được ăn đủ bữa trong tháng trước vì không có đủ tiền. Khi “đến tháng”, họ không được thay băng vệ sinh trong suốt ngày làm việc... đó là những chế độ làm việc hà khắc của lao động chuỗi cung ứng siêu thị.

Ngày 21/6, Oxfam công bố Báo cáo “Đã chín muồi để thay đổi” (Ripe for Change) cho thấy hàng triệu người lao động trong các chuỗi thực phẩm bán tại các siêu thị lớn, các tập đoàn bán lẻ trên toàn cầu đang bị mắc kẹt trong đói nghèo và phải đối mặt với những điều kiện làm việc khắc nghiệt, dù ngành thực phẩm là ngành có lợi nhuận lên đến hàng tỷ USD.

Oxfam và Liên minh Thủy sản Bền vững cũng tìm hiểu cụ thể về các điều kiện làm việc tại một số nhà máy chế biến và xuất khẩu tôm lớn nhất tại Thái Lan và Indonesia. Qua đó, công nhân đã miêu tả các điều kiện làm việc không an toàn, mức lương đói kém, chính sách kiểm soát thời gian đi vệ sinh và uống nước ngặt nghèo và bị bạo hành bằng lời nói. Tại Thái Lan, hơn 90% công nhân chế biến hải sản được khảo sát cho biết họ không đủ ăn trong tháng trước. Khoảng 80% công nhân trong các nhà máy này là phụ nữ.

nhan-vien-sieu-thi.jpg
Chỉ có 4 nhà bán lẻ có điểm trên 0 về trao quyền cho phụ nữ trong chuỗi cung ứng (ảnh minh họa)

 

Báo cáo cũng đánh giá chính sách chuỗi giá trị và thực hành trên dữ liệu công khai của những tập đoàn bán lẻ lớn và ăn nên làm ra nhất tại Anh, Đức, Hà Lan và Mỹ. Tất cả 16 tập đoàn bán lẻ đều bị chấm điểm rất thấp về những vấn đề liên quan đến công khai minh bạch trong chuỗi cung ứng, về đối xử với công nhân, nông dân sản xuất nhỏ và phụ nữ.

Cụ thể, tất cả các nhà bán lẻ đều bị chấm điểm 0 về hỗ trợ nhà cung ứng trong việc đảm bảo trả lương thỏa đáng. Chỉ có 4 nhà bán lẻ có điểm trên 0 về trao quyền cho phụ nữ trong chuỗi cung ứng, bằng các cách khác nhau như khích lệ các nhà cung ứng giải quyết bất bình đẳng giới.

Chị Melati làm công nhân nhà máy thủy sản, cho biết: Cánh tay của chị bị bỏng hóa chất do phải lau rửa bằng clo trong điều kiện bảo hộ lao động không được đảm bảo. Thậm chí, “khi “đến tháng”, chúng tôi không được thay băng vệ sinh trong suốt ngày làm việc, vì không được phép mang bất cứ thứ gì vào nơi làm việc”, Melati chia sẻ.

Bà Winnie Byanyima, Giám đốc Điều hành Oxfam Quốc tế, chia sẻ: “Chúng tôi lắng nghe câu chuyện của những người nông dân phải hít thuốc trừ sâu độc hại trên cánh đồng và những lao động nữ buộc phải làm xét nghiệm thử thai để được làm việc tại các nhà máy chế biến thủy sản. Những bất công như thế không nên có mặt trên các kệ hàng, đặc biệt là khi ngành thực phẩm thu về hàng tỷ đô la với những đãi ngộ hào phóng cho cổ đông và những nhóm siêu giầu”. 

Theo báo cáo của Oxfam, khảo sát công nhân và nông dân sản xuất nhỏ tại 5 quốc gia cho biết đa số người lao động phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình. Tại các trang trại nho ở Nam Phi, 90% công nhân nữ được khảo sát cho biết họ không đủ ăn trong tháng trước đó, còn tại các nông trại hoa quả và rau củ ở Ý, 75% công nhân nữ cho biết chính mình hoặc một thành viên gia đình đã không được ăn đủ bữa trong tháng trước vì không có đủ tiền.

Nông dân và công nhân làm việc trong chuỗi cung ứng 12 sản phẩm thông dụng bán tại siêu thị đang phải vật lộn để sống qua ngày. Năm 2016, trong khi nhiều công nhân và nông dân sản xuất nhỏ sống trong đói nghèo thì tám chuỗi siêu thị lớn nhất theo mô hình cổ phần đại chúng lại đạt mức doanh thu bán hàng lên đến gần 1 nghìn tỷ USD, lợi nhuận là 22 tỷ USD, các cổ đông chia nhau 15 tỷ cổ tức.

nhan-vien-sieu-thi2.jpg
 

Oxfam đang phát động một chiến dịch mới kêu gọi các tập đoàn bán lẻ, siêu thị và các chính phủ chấm dứt các điều kiện làm việc không nhân văn, tăng cường công khai minh bạch về nguồn gốc thực phẩm, giải quyết nạn phân biệt đối xử với phụ nữ, và đảm bảo công nhân và nông dân sản xuất thực phẩm được hưởng nhiều hơn từ số tiền mà người tiêu dùng chi trả.

Theo Bà Byanyima, khu vực kinh tế tư nhân có khả năng đưa hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói. Nhưng điều mà ngành thực phẩm, cũng giống như rất nhiều các ngành khác, đang đãi ngộ là sự giàu có, mà không phải sức lao động của phụ nữ. Các tập đoàn bán lẻ đủ sức trả lương công bằng hơn cho người lao động trực tiếp sản xuất ra thực phẩm mà không phải tạo thêm cho người tiêu dùng bất kỳ một gánh nặng nào. Nói cách khác, chỉ cần bớt lại 1-2% giá bán, tương đương một vài xu lẻ trên sản phẩm, cũng là đủ đổi đời cho những người sản xuất ra thực phẩm bày bán trên các kệ siêu thị. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn