Vào chiều ngày 26/3, tại khu vực nhà chờ của bến xe ghi nhận có khá đông hành khách đang ngồi chờ xe. Tuy nhiên, có một lượng hành khách phải ngồi vất vưởng phía ngoài vì phía trong không đủ ghế.
Đi quanh bến xe, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều hạng mục của bến xe đã xuống cấp nghiêm trọng, có một số công trình đang được phá bỏ dở dang. Tại nhiều khu vực, có cả nước thải tồn đọng hết sức hôi thối, khiến cho nhiều hành khách phải nhanh chóng bịt mũi khi đi ngang qua. Thậm chí, có khu vực còn trở thành nơi tập kết đất đá, phế liệu.
Chị Thanh Lan - một hành khách đang chờ xe tại đây cho biết, Bến xe An Sương quá nhếch nhác, nhiều hạng mục đã xuống cấp khiến cho bến xe không xứng tầm là một trong những bến xe lớn của thành phố. “Nhà chờ xe cho khách thì quá chật chội. Trời thì nắng nóng mà ngồi đây chờ xe rất khó chịu. Rác và nước thải thì nhiều, rất hôi”, chị Lan than phiền.
Trong khi đó, nhiều hành khách lại cho biết “ớn” nhất là khu vực nhà vệ sinh của bến xe. Mặc dù khi đi vệ sinh, mỗi người đều phải đóng 2.000 đồng/lượt, nhưng khu vực nhà vệ sinh của bến xe rất chật chội, dơ bẩn, vừa vào đến nhà vệ sinh là đã phải chạy ra ngay, không tài nào chịu nổi.
Ông Trần Hiếu - Giám đốc Bến xe An Sương thừa nhận, thực tế trong thời gian qua bến xe cũng có nhận được những phản ánh của hành khách về sự nhếch nhác, xuống cấp tại bến xe.
Lý giải cho vấn đề này, ông Hiếu cho biết, các hạng mục của Bến xe An Sương hiện nay được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp. Hơn nữa, do bến xe đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ, đấu thầu thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng bến xe nên không tiến hành sửa chữa các hạng mục, công trình xuống cấp nữa.
Theo ông Hiếu, sắp tới, Bến xe An Sương sẽ thực hiện hai dự án đã được Thủ tướng, UBND TP.HCM có chủ trương trước đó. Dự án thứ nhất là nâng cấp bến xe An Sương giai đoạn 1 với kinh phí hơn 30 tỉ đồng. Hiện nay, dự án này đã có giấy phép xây dựng và lộ trình làm thì sẽ được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Trong năm nay, dự án này sẽ được chính thức triển khai. “Chúng tôi đang dọn dẹp mặt bằng cho nên không thể tránh khỏi những hình ảnh đang tháo dỡ dở dang, bị ảnh hưởng”, ông Hiếu nói.
Dự án thứ hai là mở rộng bến xe An Sương lên 4,8 ha. Dự án này còn nhiều vấn đề như tìm quỹ đất, giải tỏa, đền bù… Giám đốc Bến xe An Sương cho biết, hiện đơn vị đã có đăng ký sử dụng đất đối với UBND huyện Hóc Môn và huyện cũng đã trình lên UBND thành phố. Sắp tới sẽ tiến hành giải tỏa, đền bù.
Ông Hiếu cũng cho biết, hai dự án sẽ được tiến hành song song với nhau và trong quá trình thi công, để đảm bảo hoạt động bình thường cho các doanh nghiệp vận tải, sẽ tiến hành thi công theo phương pháp cuốn chiếu, tránh ảnh hưởng ít nhất đối với doanh nghiệp, hành khách.
Được biết, vào tháng 4/2013, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông TP HCM đến năm 2020, trong đó có xác định Bến xe An Sương là một trong 11 đầu mối vận tải hành khách công cộng chính, là bến trung chuyển xe bus tại cửa ngõ tây - bắc thành phố và trong tương lai gần sẽ là bến cuối của tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM và tuyến bus nhanh số 3 (Bến xe An Sương - Bến xe Miền Tây).
UBND TP.HCM sau đó cũng đã đề nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận cho thành phố được điều chỉnh quy mô dự án từ 1,6 ha lên 4,8 ha. Kiến nghị này của UBND TP.HCM sau đó được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có văn bản đồng ý.
Tuy nhiên, đã hơn 4 năm qua nhưng dự án vẫn chưa thể được triển khai, gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp kinh doanh vận tải và hành khách.
Một số hình ảnh tại Bến xe An Sương chiều ngày 26/3: