Liên quan đến thông tin một nữ hành khách tử vong trong quá trình di chuyển từ máy bay xuống xe thang, đại diện Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, sẽ thực hiện các thủ tục đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho hành khách và thân nhân. Tuy nhiên, dư luận cũng đặt câu hỏi, Vietnam Airlines sẽ đảm bảo quyền lợi cho gia đình nạn nhân như thế nào? Đặc biệt, gia đình nạn nhân có được bảo hiểm bồi thường hay không?
Về vấn đề này, Luật sư Vũ Văn Biên - Văn phòng Luật An Phước cho rằng, hãng hàng không phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hành khách sau khi đã mua vé, làm thủ tục kiểm tra an ninh rồi bước vào sảnh nhà chờ. Từ lúc này cho đến lúc xuống máy bay, ra khỏi khu vực an ninh nếu khách hàng bị tai nạn thì hãng hàng không phải chịu trách nhiệm (trừ trường hợp hoàn toàn do lỗi của khách hàng).
Theo quy định, các hãng hàng không phải mua bảo hiểm bắt buộc. Cụ thể, Điều 25 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 quy định giấy tờ bắt buộc mang theo tàu bay gồm Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Điều 160 Luật này quy định: "Người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hành khách chết hoặc bị thương do tai nạn xảy ra trong tàu bay, trong thời gian người vận chuyển đưa hành khách lên tàu bay hoặc rời tàu bay".
Điều 163 Luật này cũng quy định: "Người vận chuyển phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe của hành khách, việc mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hàng hóa, hành lý và do vận chuyển chậm hoặc thực hiện các biện pháp bảo đảm khác đến mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển quy định tại Điều 166 của Luật này."
Với vụ việc trên, để xác định nạn nhân có được chi trả bảo hiểm hay không thì phải xác định nguyên nhân tử vong. Nếu Vietnam Airlines thông tin khách hàng té ngã và chảy máu vùng đầu dẫn đến tử vong thì phải xác định tại sao bị té ngã. Tư thế ngã như thế nào; ngã lao đầu về trước hay ngã ngửa dẫn đến đập đầu xuống đất,…
Nếu khách hàng bị choáng rồi ngã thì một câu chuyện khác. Nếu do cách bố trí cầu thang của hãng không hợp lý khiến khách hàng trượt chân ngã dẫn đến tử vong là một câu chuyện khác. Ví như, với khách hàng khuyết tật, bản chất thì phải có người hỗ trợ nhưng nếu hãng hàng không không có người hỗ trợ hoặc cảnh báo nguy hiểm dẫn đến tai nạn thì lỗi là của hãng. Lỗi khách hàng chỉ được đặt ra khi không tuân thủ chỉ dẫn của hãng hàng không. Tuy nhiên, cần phải làm rõ hợp đồng bảo hiểm của hãng với bảo hiểm để xác định trách nhiệm và mức đền bù khi xảy ra sự cố đến đâu", luật sư Biên nói.
Trước đó, như PNVN đã phản ánh, vào 18h ngày 15/6, chuyến bay VN1379 hành trình Huế - TPHCM hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách H.T.A.T. ngồi ghế 11B xuống máy bay bằng xe thang. Trong lúc xuống thang, hành khách bị trượt chân ngã chảy máu ở vùng đầu.
Ngay lập tức, đại diện Vietnam Airines và các đơn vị phục vụ tại sân đỗ đã ngay lập tức liên hệ đơn vị y tế; bố trí xe cứu thương, bác sĩ khẩn trương kiểm tra sức khỏe khách, sơ cứu và đưa khách vào cấp cứu tại BV Quân y 175 (TPHCM).
Tuy nhiên, hành khách trên đã không qua khỏi và mất vào ngày 16/6 tại BV.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn