Hạnh Loan với những vần thơ 'đọc xong phải… bỏ chạy'

17:00 | 13/03/2017;
'Dám công khai bí mật trước bàn dân thiên hạ, dù chỉ bằng thơ cũng là điều đáng nể' - nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói về Nguyễn Thị Hạnh Loan nhân dịp chị ra mắt đồng thời 2 tập thơ 'Hãy nói yêu khi hoa hồng nở' và 'Khoảng trời sau cửa sổ'.
tao-nguyen.jpg
 Từ trái qua, các nhà thơ: Phạm Thị Ngọc Thanh, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thị Hạnh Loan và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Nguyễn Thị Hạnh Loan là một cái tên mới mà cũ trong làng thơ. Mới vì chỉ vài năm gần đây, thơ của chị xuất hiện đều đặn tên trang cá nhân và được người yêu thơ chia sẻ khá rộng rãi. Còn cũ là bởi thực ra từ khoảng 30 năm trước, Hạnh Loan đã là một cây bút được nhiều người chú ý với những vần thơ trong trẻo, đầy cảm xúc trên các trang báo Tiền phong, Hoa học trò, Tuổi Xanh…

loan-0.jpg
 Nhà thơ Hạnh Loan

Bẵng đi một thời gian dài, công chúng chỉ gặp Hạnh Loan trong vai trò là một nhà báo sắc sảo của Đài Phát thanh Truyền hình Hà Tĩnh. Bất ngờ vào những ngày đầu tháng 3/2017, chị cùng lúc cho ra mắt 2 tập thơ Hãy nói yêu khi hoa hồng nở Khoảng trời sau cửa sổ (NXB Văn học và Sunflower Books phát hành).

Đặc biệt, trước khi ra mắt tại Hà Tĩnh quê hương mình (do Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh tổ chức), Hạnh Loan đã có buổi giới thiệu 2 tập thơ ở Thủ đô Hà Nội. Nhiều khách mời trong giới văn nghệ sĩ, báo chí đã có mặt trong buổi ra mắt thơ của Hạnh Loan như Nhạc sĩ - NSND Nguyễn Tiến, NSND Vương Hà, NSƯT Hồng Liên, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Phạm Ngọc Tiến, nhà báo Hữu Ước, nhà báo Tạ Bích Loan, ca sĩ Đinh Thành Lê… Đảm nhận vai trò MC là nữ sĩ sinh năm 1984 Phạm Thị Ngọc Thanh.

khoang-troi.jpg
 Tập thơ "Khoảng trời sau cửa sổ"

Khoảng trời sau cửa sổ là tập thơ dành cho thiếu nhi và tuổi mới lớn với 53 bài thơ, trong đó phần lớn được Hạnh Loan viết từ thuở còn là cô học trò chuyên văn ở Hà Tĩnh. Nhận xét về Hạnh Loan ở tập thơ này, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: “Tâm hồn chị rất trong. Thơ chị cũng thế. Nó là vẻ đẹp của những làn sương sớm bay trên thảm cỏ ban mai. Vẻ đẹp ấy, ta thường chỉ thấy trong cái nhìn thơ ngây của con trẻ…”.

hay-noi-yeu-1.jpg
 Tập thơ "Hãy nói lời yêu khi hoa hồng nở"

Trong khi đó, Hãy nói yêu khi hoa hồng nở với 61 thi phẩm là những bài thơ tình nồng nàn, cháy bỏng của người-đàn-bà-yêu Nguyễn Thị Hạnh Loan. Theo nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đó là những vần thơ có khả năng khiến những ai non gan hay sợ bỏng đọc xong phải… bỏ chạy. Vì tình yêu trong thơ Hạnh Loan rất dữ dội, sự dữ dội đó không chỉ ở trong chiều sâu, trong thầm lặng mà bộc lộ ra cả bên ngoài.

Theo nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Hạnh Loan là người dám công khai những bí mật tâm hồn không hổ thẹn. “Trong thơ Hạnh Loan có rất nhiều người yêu, nhưng nếu hỏi người yêu đó là ai, chắc chắn Hạnh Loan sẽ lắc đầu hoặc không đủ can đảm nói ra. Như vậy, có thể thấy thơ của Hạnh Loan can đảm hơn cô ấy”, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói. Và ông cũng cho rằng: “Dám công khai những bí mật trước bàn dân thiên hạ, dù chỉ bằng thơ cũng là điều đáng nể”.

vuong-ha.jpg
 NSND Vương Hà ngâm thơ Hạnh Loan

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên thì cho rằng, thơ của Hạnh Loan là thơ của một người phụ nữ khát sống, khát yêu. Những câu thơ nồng nàn, đắm đuối của chị như những lời thúc giục yêu, thúc giục bạn tình, bạn đời chia sẻ những dung hòa, rung cảm sục sôi, những khát khao, những bứt phá khuôn khổ, những thổn thức câm lặng của người thơ…

Cũng theo Phạm Xuân Nguyên, Hạnh Loan viết “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở” không phải dành cho đàn ông mà là nói với chính mình. “Người phụ nữ khi đến tuổi yêu, có rung động trong tim thì hãy nói ra, tại sao phải chờ người đàn ông ngỏ lời mới nói? Và “Hãy nói yêu” của Hạnh Loan chính là lời yêu chủ động từ người nữ: Tự tin ở mình, tự tin mình sẽ có được tình yêu đáp lại”, Phạm Xuân Nguyên nhìn nhận.

hong-lien-2.jpg
 NSƯT Hồng Liên ngâm thơ Hạnh Loan

Bên cạnh những lời nhận xét chân tình của các nhà thơ, nhà phê bình văn học, buổi ra mắt 2 tập thơ của Nguyễn Thị Hạnh Loan càng trở nên ấm áp, lãng mạn hơn bởi phần đọc thơ Hạnh Loan của NSND Vương Hà, NSƯT Hồng Liên. Giải Nhất Sao Mai dòng Dân gian 2007 Đinh Thành Lê cũng thể hiện những ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh. Nhạc sĩ Nguyễn Tiến (tác giả ca khúc nổi tiếng Hoa cau vườn trầu) cùng ca sĩ trẻ Phi Hùng cũng mang đến những nhạc phẩm phổ thơ Hạnh Loan.

Đặc biệt, nhạc sĩ Phạm Phương đã tự mình hát và đệm guitar ca khúc Vắt kiệt do chính anh phổ thơ Hạnh Loan. Đây được coi là tiết mục “đinh” trong buổi ra mắt 2 tập thơ của nữ thi sĩ sinh năm 1976 đến từ Hà Tĩnh.

nhac-si.jpg
 Nhạc sĩ Phạm Phương tự đệm guitar hát ca khúc "Vắt kiệt" mà anh phổ thơ Hạnh Loan

Xem nhạc sĩ Phạm Phương hát ca khúc “Vắt kiệt”:

Hãy nói yêu khi hoa hồng nở

Em sẽ không ngu ngốc thêm một lần nữa đâu

Khi không dám thốt lên từ Yêu

Để người mãi ra đi không bao giờ nghe thấy

Anh có hay

Mắt môi này run rẩy

Những đóa hồng đang nở giữa tim em

Ngọt lịm.

Nồng nàn.

Ngây ngất.

Bung biêng…


Hãy nói yêu đi

Khi những đóa hồng bắt đầu bùng lên thiêu đốt con tim

Hoa mọc rễ từ những tế bào máu nóng li ti, cuộn sôi nhớ, cuộn sôi mong, cuộn khát khao được vỡ òa trong men say chếnh choáng

Nếu một trong chúng ta không nói yêu, rất có thể hoa kia sẽ héo tàn nhanh chóng

Rồi tim bỗng giá băng.


Có phải những đóa hồng cũng đã nở giữa tim anh?

Khi có em anh đi qua những ngày mưa gió

Một ngày vắng tin nhau là tim như nghẹt thở

Lo lắng, bồn chồn khi ai đó chẳng online


Chúng mình nói yêu đi đừng có đợi ngày mai

Hãy đến bên nhau để ngàn đời không hối tiếc

Hãy gắn chặt môi nhau bằng nụ hôn da diết

Khi tim ta đã bừng nở những đóa hồng…


Và chúng mình yêu là định mệnh phải không?...
                                                Nguyễn Thị Hạnh Loan

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn