Hạnh phúc đến muộn của cặp đôi vợ Việt-chồng Hàn

07:09 | 28/10/2017;
Chúng tôi gặp chị Trần Thị Hương tại Trung tâm Văn hóa Phụ nữ Việt Nam tại thành phố Deagu (Hàn Quốc). Khác với điều tôi thường hình dung về những người phụ nữ Việt lấy chồng Hàn trước đó, chị Hương có ánh mắt rạng rỡ của một người phụ nữ hạnh phúc.
Niềm hạnh phúc ấy, theo lời chị Hương kể, chỉ thực sự đến với chị vài năm gần đây, khi chị gặp được người chồng của mình, sau một chặng đời trải qua nhiều long đong, sóng gió. Chị Hương sinh năm 1973, quê ở Cẩm Giàng, Hải Dương.

Tốt nghiệp phổ thông, thi vào đại học không được, chị ra Hải Phòng làm may cho một công ty Đài Loan (Trung Quốc) được 3 năm, rồi vào Sài Gòn làm ăn buôn bán 12 năm. Tiếp đó, chị xuất khẩu lao động sang Nga, cuộc sống cũng không ổn định.

anhbai4.JPG
Chị Trần Thị Hương hạnh phúc bên người chồng Hàn Quốc và con trai từ Việt Nam sang

Năm 35 tuổi, chị quyết định kiếm một mụn con, trở thành mẹ đơn thân ở xứ người. Khi bé được 5 tuổi, chị mang con về nước.

Một người thân thấy tình cảnh của chị đã bảo: Ở Việt Nam làm ăn không được, sang Nga cũng không có tiền, hay sang Hàn Quốc lấy chồng. Qua mai mối, chị gặp một người đàn ông Hàn Quốc và nhanh chóng làm thủ tục kết hôn vào năm 2011.

Sang làm dâu xứ lạ khi chưa biết tiếng Hàn, người chồng của chị cũng rất bỡ ngỡ với hôn nhân, hai người xảy ra nhiều mâu thuẫn, khó tìm được cách hóa giải khi không hiểu ngôn ngữ của nhau và dẫn đến ly hôn.
Rời nhà chồng, chị Hương phải tự tìm mọi cách để bươn chải, tồn tại ở đất nước này.

Chị bắt đầu từ việc mày mò học tiếng Hàn, rồi xin vào làm ở các nhà máy điện tử, đông lạnh, phun sơn, bốc cá thuê ở cảng biển... Chị nói, chị không ngại vất vả, làm việc gì cũng được, miễn kiếm được tiền gửi về nhà nuôi con.

Đến năm 2015, chị gặp được một người đàn ông Hàn Quốc hiền lành, tử tế. Giữa hai người nảy sinh tình cảm và một thời gian sau thì dọn về sống chung một nhà.

Yêu thương con riêng của vợ

“Chỉ đến khi gặp anh, tôi mới có hạnh phúc thực sự”, chị Hương chia sẻ. Chồng chị là một người đàn ông chăm chỉ, điềm đạm, tốt bụng và rất thông cảm với hoàn cảnh của chị. Chính anh là người thúc giục chị mang con trai từ Việt Nam sang để chăm sóc, nuôi dưỡng.

Ngày mẹ con chị chưa đoàn tụ, anh thường xuyên kéo chị đi siêu thị mua sắm quần áo, đồ chơi, bánh kẹo... để gửi về cho con chị.

Bé Nguyễn Huy Hoàng năm nay 10 tuổi, được vợ chồng chị Hương đón sang Deagu từ tháng 6/2017. Chồng chị Hương thương con riêng của vợ chẳng khác gì con ruột. Anh là người kèm cặp, dạy dỗ để bé Hoàng học tiếng Hàn và hòa nhập với cuộc sống nơi đây.

Khi chị bàn chuyện sinh con, anh gạt đi, bảo sao phải sinh nữa, đã có bé Hoàng rồi. Anh còn nói, có thêm một đứa con rất vất vả, tốn kém, chi bằng tập trung nuôi dạy bé Hoàng cho tốt.

Ngược lại, bé Hoàng cũng rất quý cha dượng. Chị Hương kể, anh cứ đi làm về là hai cha con lại quấn quýt với nhau, hết học bài lại vui đùa, chơi cờ... Được sống trong mái ấm gia đình đúng nghĩa sau 5 năm xa mẹ, bé Hoàng vui lắm. Bé rất thích cuộc sống ở đây, thích món ăn Hàn Quốc, thích chơi với cha...

“Thực ra đàn ông Hàn Quốc rất tình cảm và họ có nhu cầu được đón nhận tình cảm người khác dành cho mình. Một khi mình xác định xây dựng gia đình nghiêm túc, tập trung vun vén cho tổ ấm thì không mấy khó khăn để vợ chồng hòa thuận.

Như chồng của tôi, chỉ cần tôi chăm bữa ăn một chút – mà bữa ăn của người Hàn có gì cầu kỳ đâu, phần lớn là kim chi – thì anh ấy cảm động lắm. Thấy vợ đi làm về quay ra dọn dẹp nhà cửa, cơm nước là xuýt xoa: “Ôi, vợ vất vả quá! Cảm ơn vợ rất nhiều!”.

Có không ít cô gái đồng ý lấy chồng Hàn với suy nghĩ đơn giản là sẽ đổi đời, ăn sung mặc sướng mà không phải động tay động chân gì cả, trong khi người Hàn vốn chăm chỉ, tiết kiệm. Thêm vào đó là ngôn ngữ bất đồng, khiến mâu thuẫn dễ phát sinh”, chị Hương chia sẻ.

Những dịp rảnh rỗi, chị Hương thường cùng chồng và con đến Trung tâm Văn hóa Phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc chơi. Chính ông xã của chị là người nhắc chị thỉnh thoảng ghé qua đây, đặc biệt là khi có người ở Việt Nam sang. “Anh ấy muốn vợ vui, được gặp những người đồng hương và trò chuyện với những người Hàn gắn bó với Việt Nam”, chị nói.

Chị Hương chia sẻ, nếu biết đến Trung tâm Văn hóa Phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc từ trước, biết đến Dự án Hỗ trợ hôn nhân Hàn Quốc mà Trung tâm đang phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam thực hiện, có lẽ chị đã không phải trải qua nhiều cay đắng, vất vả đến thế mới tìm được hạnh phúc.

Hai cuộc hôn nhân của chị với hai người đàn ông Hàn là một minh chứng cho việc người phụ nữ có tìm được hạnh phúc hay không phụ thuộc nhiều vào quá trình tìm hiểu của hai bên.

Tất nhiên, cuộc sống riêng của chị có yên ấm hay không còn phụ thuộc vào người bạn đời nhưng rõ ràng, việc có một quá trình tích lũy vốn sống cho bản thân đã giúp chị nhiều trong chuyện nắm bắt hạnh phúc. Và những điều này, nếu có được sự hỗ trợ, chỉ dẫn từ một tổ chức, có lẽ chị sẽ không mất tới 4 năm một mình bám trụ nơi xứ lạ.

Trung tâm Văn hóa Phụ nữ Việt Nam ở Hàn Quốc (VWCC) là tổ chức hợp pháp duy nhất hỗ trợ hôn nhân Hàn – Việt. Dự án “Hỗ trợ hôn nhân Hàn Quốc” được VWCC và Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp thực hiện để nâng cao nhận thức cho phụ nữ Việt Nam trong quan hệ hôn nhân với người nước ngoài, trong đó có người Hàn Quốc, đảm bảo hôn nhân lành mạnh, tiến bộ và tuân thủ pháp luật.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn