Trương An Kỳ là một cô bé sinh ra ở vùng nông thôn Trung Quốc, bố mẹ chỉ là giáo viên trung học bình thường. Thậm chí, tuổi thơ cô bé từng thi trượt, từng thất bại nhiều lần. Nhưng nhờ phương pháp giáo dục tuyệt vời từ gia đình, Trương An Kỳ đã "điểm tên" mình ở ngôi trường đại học danh giá Harvard và có tên trong danh sách những người có IQ cao nhất thế giới.
Cuốn sách Kì tích giáo dục gia đình là những ghi chép chân thực về quá trình dạy dỗ Trương An Kỳ của người mẹ là tác giả Vương Phi. Với mục tiêu giúp con trở thành một người hoàn thiện ngay từ nhỏ, Vương Phi luôn đề ra những "đích đến nhỏ" là cô con gái của mình sẽ có một cơ thể khỏe mạnh, nhân cách tốt đẹp, tâm hồn vui vẻ, hiểu biết lanh lẹ, có suy nghĩ độc lập, có khát vọng vươn cao, ý chí kiên cường, có hoài bão...
Hơn hết, bà mong con gái sẽ vừa được trang bị đầy đủ kiến thức khoa học tự nhiên, lại vừa có được tình cảm nhân văn của sinh viên khoa học xã hội. Bởi theo bà, giỏi cả tự nhiên và xã hội thì con mới có thể trở thành người toàn diện.
Để chạm tới mục tiêu đó, tác giả đã có những nguyên tắc giáo dục cụ thể: Cha mẹ yêu con thì phải giúp con xây dựng một kế hoạch lâu dài, chắp thêm đôi cánh lý trí và trí tuệ cho tình yêu của cha mẹ. Bà chú trọng việc giáo dục sớm, "giáo dục gốc rễ", tức là giáo dục thúc đẩy phát triển chức năng bộ não của trẻ từ 0-6 tuổi.
Theo đó, phương pháp để tạo nên "kì tích" trong quá trình giáo dục con của tác giả chính là đem đến cho trẻ nhiều thông tin về cuộc sống thú vị, các mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình và các bài tập rèn luyện phù hợp; từ đó tạo dựng nên những thói quen tốt, tính cách tốt. Cách đơn giản nhất khi giáo dục trẻ là dạy con ngay từ trong cuộc sống thông qua những bài học ngay trong từng trò chơi, để vừa chơi vừa học, có như thế mới nuôi dưỡng được "bộ rễ" cho trẻ trưởng thành.
Bên cạnh đó, tác giả Vương Phi cũng tôn sùng giáo dục hạnh phúc. Bà tin rằng "cuộc sống là bài học, có thể học khắp nơi"; vừa cung cấp cho con món ăn tinh thần, vừa chú trọng sức khỏe tâm lý của con ngay từ nhỏ. Phương pháp giáo dục của bà luôn có tính chủ định, nhưng cũng sẽ linh hoạt và thay đổi tùy tình huống thực tế theo nguyên tắc "Gặp chuyện thì dạy, chọn thời cơ mà dạy" một cách khéo léo.
Với phương pháp giáo dục ấy, bà đã góp phần quan trọng tạo ra một cô gái Trương An Kỳ tự tin, hạnh phúc và thành công khi đặt chân vào cánh cổng Harvard.
Tuy vậy, điều mà An Kỳ tự hào nhất không phải là IQ cao hay thành tích học tập khác, mà là sự nỗ lực cố gắng, cũng như kiên trì với ước mơ nghiên cứu khoa học của bản thân. Tiếp nhận sự giáo dục của mẹ, cô nhận ra rằng, cuộc sống lúc nào cũng đầy rẫy thách thức, luôn có những thứ mới cần phải học tập, khám phá, luôn có những đối thủ cạnh tranh hùng mạnh đợi mình để theo đuổi và vượt lên.
Khi còn nhỏ, Harvard giống như một cuộc tình đơn phương, nhưng chỉ cần nghĩ đến "Harvard vẫn chưa từ chối mình" thì cô lại tiếp tục cố gắng. Khi được nhận vào Harvard, cô cho rằng đó chỉ là một trạm dừng chân tạm thời trong cuộc đời đằng đẵng, và cuộc sống là luôn phải vươn lên phía trước để đạt được đích đến xa hơn.
Cuốn sách Kì tích giáo dục gia đình được viết bằng những trải nghiệm của chính hai mẹ con về phương pháp giáo dục gia đình, về quá trình tác động lẫn nhau để cùng trưởng thành giữa cha mẹ và con cái. Có thể nói rằng, qua những ghi chép chân thực về quá trình dạy dỗ An Kỳ, tác giả Vương Phi đã gợi mở cho người đọc thấy được tầm quan trọng của giáo dục gia đình, đặc biệt là giáo dục sớm.
Qua đó, cuốn sách nhắn gửi tới bạn đọc thông điệp: Hãy để con có một ước mơ tích cực, cho dù tương lai không thể thực hiện được thì thành tựu mà con đạt được vẫn tốt hơn là không có ước mơ. Tuy nhiên, hành trình lớn lên của mỗi đứa trẻ là riêng biệt, bản thân giáo dục cũng không có "đáp án tiêu chuẩn"; và cha mẹ bất kể có trình độ học vấn cao hay thấp, vẫn có thể đồng hành cùng con trên con đường trưởng thành, hiện thực hóa mọi giấc mơ của con mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn