Một bà mẹ người Trung Quốc đã từng đồng hành cùng con gái thi đỗ vào ngôi trường trọng điểm danh giá nhất tỉnh. Điều đặc biệt là xuất phát điểm của cô bé không hề cao, chỉ là một học sinh có thứ hạng trung bình ở trường cấp 2. Nhưng nhờ sự quyết tâm và chiến lược của cả gia đình, giấc mơ trường chuyên đã thành hiện thực. Dưới đây là những chia sẻ của bà mẹ này nhân dịp mùa thi lại tới:
Có thể nói kỳ thi vào cấp 3 là kỳ thi của cả gia đình với con cái là người lính tiền phương và cha mẹ là người vạch chiến lược ở hậu phương. Con không chiến đấu một mình mà là cả gia đình cùng phải “chiến đấu”.
Đầu tiên, tôi cùng con phân tích tình hình học tập hiện tại. Con phải tự tìm ra những môn yếu, chương yếu, điểm kiến thức còn yếu,… của mình để từ đó xây dựng kế hoạch “lấp” lỗ hổng kiến thức. Đặc biệt, phần nền tảng kiến thức phải vững chắc thì mới có thể ôn luyện đề khó của trường chuyên.
Sau đó, tôi và con lập một kế hoạch học tập bài bản, phù hợp với năng lực học tập hiện tại của con và có mục tiêu phù hợp. Lập kế hoạch xong, điều quan trọng nhất là nhất định phải nghiêm túc thực hiện theo kế hoạch. Trong quá trình này cần cả sự tự giác của con trẻ lẫn sự quản lý sát sao của cha mẹ.
Thứ hai, về mặt tâm lý, tôi cho rằng cách hành xử của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của con khi chúng ở độ tuổi teen. Ở giai đoạn này, các kỳ thi ở trường diễn ra tương đối thường xuyên, điểm số thỉnh thoảng có biến động là điều vô cùng bình thường. Tôi chưa bao giờ hỏi con về thứ hạng trong lớp hay điểm số, khi điểm tốt sẽ được động viên kịp thời, không bao giờ chê trách khi điểm kém.
Thực tế, suốt năm cuối cấp 2, bản thân các con phải chịu áp lực tâm lý rất lớn. Áp lực có thể đến từ chính mong muốn cá nhân và sự cạnh tranh với bạn bè. Vì vậy, người lớn tuyệt đối không nên tạo ra gánh nặng thêm nữa. Việc giám sát, thúc giục chỉ thêm gánh nặng tư tưởng cho các em.
Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh với con gái: Làm bài kiểm tra đừng sợ mắc lỗi, mắc lỗi chứng tỏ con đã phát hiện ra khuyết điểm của mình, đó là điều tốt. Càng bộc lộ nhiều vấn đề vào lúc này, chúng ta càng có nhiều cơ hội giải quyết khi vẫn chưa đến kỳ thi chính thức. Vì vậy, dù kết quả mỗi bài thi như thế nào, sau đó tôi và con luôn cùng ngồi lại, phân tích những điểm được mất trong bài thi, rồi học lại và làm lại những bài giải sai.
Ở đây tôi muốn nói rằng việc làm sai thực sự quan trọng đối với trẻ. Mỗi khi phân tích những câu hỏi sai có thể giúp con tìm ra những lỗ hổng trong điểm kiến thức, những vướng mắc trong cách giải quyết vấn đề và những thiếu sót trong kỹ năng làm bài thi. Việc tìm ra vấn đề và giải quyết chúng sẽ giúp học sinh cải thiện điểm số một cách hiệu quả.
Đối mặt với kỳ thi vào cấp 3, cả học sinh và phụ huynh nên để tâm lý thoải mái, bởi càng lo lắng thì áp lực vô hình sẽ càng đè nặng lên con trẻ.
Kỳ thi tuyển sinh cấp 3 kết thúc, khi con và các bạn cùng lớp so đáp án thấy kết quả của mình không giống những học sinh giỏi nhất lớp, con bé cảm thấy khó chịu và có chút chán nản. Tôi chỉ nói với con: “Con phải tin vào bản thân mình, bây giờ thi xong rồi, đừng lo lắng gì cả, chúng ta hãy thư giãn trước đã”.
Ngày có kết quả, con xúc động bật khóc. Tôi biết nước mắt của con là vì những cố gắng trong suốt một năm qua đã được đền đáp, chứ không phải chỉ vì đỗ vào ngôi trường mơ ước. Con thẳng thắn nói rằng điều quan trọng nhất mà mình học được từ kỳ thi vào chuyên khốc liệt là luôn tin tưởng vào bản thân, không bao giờ bỏ cuộc ngay cả trong nghịch cảnh.
Đối với những đứa trẻ 15 tuổi, kỳ thi vào THPT là thử thách đầu tiên trong cuộc đời. Những gì con gái đạt được sau hành trình vừa qua không phải là giấy báo nhập học, mà là đức tính bền bỉ, kiên trì, hiểu được ý nghĩa của việc đấu tranh cho niềm tin của mình.
Nhìn lại chặng đường của con, với tư cách là một người phụ huynh, tôi có thật nhiều cảm xúc. Tôi nghĩ rằng những gì tốt nhất cha mẹ có thể cho con cái không chỉ là nền tảng vật chất mà quan trọng hơn là sự giàu có về tinh thần. Vào lúc con phải đối mặt với thử thách đầu tiên trong đời, hãy đồng hành cùng chúng, truyền cảm hứng cho chúng và tin tưởng chúng. Sau tất cả, ngay cả khi không đỗ vào ngôi trường mong muốn, các con cũng đã trưởng thành hơn rất nhiều.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn