Cách đây 5 năm, khi công ty thiết kế cổ phục mang tên Ỷ Vân Hiên ra đời là một hiện tượng mới mẻ. Ít người tin rằng, những bộ trang phục vua, quan, mệnh phụ… có thể được sử dụng trong đời sống.
Nguyễn Đức Lộc, người sáng lập Ỷ Vân Hiên, khi ấy vốn là phóng viên trẻ của một đài truyền hình. Lộc chia sẻ, hồi học phổ thông, anh là học sinh chuyên Sử, nhà lại có nghề may truyền thống nên lúc nào cũng cảm thấy háo hức không thôi với thời trang lẫn lịch sử, văn hóa Việt.
Tình yêu cổ phục Việt trong Lộc được khơi nguồn cảm hứng từ cuốn sách "Ngàn năm áo mũ" của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, thôi thúc anh đi đến quyết định theo đuổi thời trang, sáng tạo thương hiệu Ỷ Vân Hiên.
Để chuẩn bị khởi nghiệp, Lộc đã cất công đi đến nhiều vùng đất, tìm đến những di tích, làng nghề, gặp gỡ nhiều nghệ nhân để tích lũy trải nghiệm, kiến thức, tạo nguồn cảm hứng sáng tạo.
"Tôi may mắn có những cơ duyên không phải ai cũng có. Tôi được gặp những nghệ nhân của Huế, trong đó đặc biệt là mệ Lê Thị Dinh, cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn, được tận mắt chiêm ngưỡng những cổ vật mà trong mơ cũng không dám nghĩ tới.
Từ lâu, tôi nghĩ việc quảng bá, gìn giữ những giá trị văn hóa cổ đã là sứ mệnh của mình nên con đường tôi đi, dù chông gai, tôi vẫn chọn và thấy hạnh phúc vì điều đó", Nguyễn Đức Lộc chia sẻ.
Theo Nguyễn Đức Lộc, để sáng tạo nên một bộ cổ phục là cả một chặng đường dài, vất vả. Mỗi sản phẩm của Lộc được ra đời bằng cả tình yêu, mồ hôi và nước mắt của đội ngũ trong Ỷ Vân Hiên.
Các sản phẩm được sản xuất đều là phiên bản giới hạn chứ không đại trà và phải đảm bảo được tính lịch sử, thời trang trong đó. Dù sáng tạo thì thời trang Ỷ Vân Hiên vẫn phải đảm bảo yếu tố khoa học, lịch sử, mang tâm hồn văn hóa xưa của đất nước.
Không chỉ sáng tạo những trang phục truyền thống, Lộc cũng nỗ lực quảng bá để trang phục truyền thống đi vào đời sống đương đại. Nguyễn Đức Lộc không ngừng có những ý tưởng sáng tạo nhằm quảng bá, tôn vinh văn hóa truyền thống, từ đó lan tỏa tình yêu đối với lịch sử, văn hóa dân tộc đến mọi người.
Năm 2019, công ty Ỷ Vân Hiên đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tái hiện lễ ban quạt thời Lê Trung Hưng. Chương trình tái hiện những nghi lễ cung đình thời Lê Trung Hưng vào dịp Tết Đoan Ngọ, khi vua ban quạt cho các quan viên vào dịp đầu hè. Thông qua buổi biểu diễn văn nghệ truyền thống, khán giả được trải nghiệm mặc các trang phục cổ.
Nguyễn Đức Lộc cũng đưa các trang phục của Ỷ Vân Hiên tham gia nhiều chương trình, sự kiện nghệ thuật lớn, các show diễn thời trang, sản phẩm ca nhạc, sân khấu, phim ảnh… từ đó, những bộ trang phục càng được công chúng yêu thích, đón nhận.
Nhiều người trẻ lớn lên trong thế giới hiện đại có nhu cầu được “trở về quá khứ” để tìm hiểu lịch sử của cha ông. Điều đó tạo nên xu hướng giới trẻ tìm hiểu về văn hóa xưa, trong đó có cổ phục và chắc chắn, thời trang này sẽ còn đi xa hơn nữa trong thời gian tới. Bản thân tôi cũng như Ỷ Vân Hiên đều có tham vọng đưa những “đứa con tinh thần” của mình xuất khẩu ra nước ngoài”.
Nguyễn Đức Lộc
Đến nay, Đức Lộc đã tạo nên hơn 1.000 bộ cổ phục, từ long bào, phượng bào dành cho vua và hoàng hậu đến trang phục cho cung tần, vương phi, quan lại... Những bộ sưu tập áo dài 5 thân, áo Giao lĩnh, áo Nhật Bình… được Đức Lộc liên tục cho ra mắt, được nhiều người yêu thích, lựa chọn.
Nhưng khát vọng đưa cổ phục Việt ra thế giới vẫn đau đáu trong lòng Nguyễn Đức Lộc. Để thực hiện "tham vọng" ấy, Lộc cùng cộng sự tìm nhiều cách để lan tỏa thời trang này đến lãnh sự quán các nước, góp phần lan tỏa cổ phục sâu rộng hơn.
"Chúng tôi không phỏng dựng một trang phục nào đó để rồi mang vào bảo tàng hay chỉ để trưng bày mà muốn giới thiệu sản phẩm của mình với công chúng. Chúng tôi quyết tâm đưa trang phục lên khắp các "mặt trận", theo hướng hiện đại để lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất", Lộc cho biết.
Hành trình "gieo hạt" của Nguyễn Đức Lộc đã ra nhiều "trái ngọt". Khi càng nhiều người sử dụng trang phục cổ nghĩa là văn hóa truyền thống càng được yêu thích, lan tỏa trong cộng đồng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn