Loay hoay tìm cách thoát nghèo
Gần 30 năm trước, chồng bà Kăn Thu (SN 1963, xã Hồng Thái, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) qua đời sau một cơn bạo bệnh để lại bà Thu cùng 2 đứa con nhỏ trong ngôi nhà dột nát. Bà Thu không có công việc ổn định, hàng ngày chỉ đi làm nông, cuộc sống của 3 mẹ con khi đó bữa đói, bữa no.
Năm chồng qua đời, bà Thu mới ngoài 30 tuổi, được đánh giá là chăm chỉ làm ăn nên đã có rất nhiều đàn ông "qua một lần đò" ở trong khu vực đến tìm hiểu, nhưng bà Thu đều từ chối.
"Sau khi chồng tôi mất, nhiều người đến tìm hiểu ngỏ ý muốn cưới tôi làm vợ, họ đều khoe là có điều kiện kinh tế, có thể cho tôi cuộc sống sung túc, nhưng tôi từ chối thẳng thừng. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ nếu mình đi thêm bước nữa thì ai là người chăm sóc, lo cho các con", người phụ nữ dân tộc Cơ Tu chia sẻ.
Bỏ qua những lời đường mật, bà Thu quyết tâm làm việc nhiều hơn, nhưng cuộc sống của mấy mẹ con cũng chỉ đủ ăn. Còn việc học của các con, bà Thu… không lo được. Cả 2 người con bà Thu chỉ được học hết lớp 9 thì phải nghỉ, vì gia đình quá khó khăn.
"Trước đây, tôi làm đủ mọi việc, từ chăm sóc cây chuối, làm cỏ thuê, đan chiếu rừng… nhưng cũng chỉ đủ tiền để đong gạo mấy mẹ con ăn. Ngày lễ Tết hay có cỗ bàn toàn phải đi vay mượn tiền của người thân để chi tiêu. Vì thế mà mỗi năm nợ lại càng nhiều hơn. Căn nhà bây giờ ở cũng do chính quyền địa phương hỗ trợ xây sửa lại", bà Thu chia sẻ.
Cuộc sống của 3 mẹ con bà Thu cứ thế trôi qua trong cảnh túng thiếu. Dù đã cố gắng, xoay xở đủ kiểu nhưng không có cách nào trả lại quyển sổ hộ nghèo cho nhà nước mà gia đình bà sở hữu từ trước năm 2000.
Vươn lên từ 50 triệu đồng vay vốn
Năm 2018, được sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện A Lưới, bà Thu được vay vốn 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Thế nhưng sau khi cầm 50 triệu đồng trong tay, bà Thu không biết sử dụng vào mục đích gì. Hội LHPN huyện A Lưới đã hướng dẫn bà Thu đầu tư vào nuôi, trồng. Ban đầu mua 2 con bò giống. Số tiền còn lại đầu tư vào trồng chuối và dựng nhà mái che để trồng hoa và các loại rau, củ khác theo mùa.
"Thời gian đầu, nuôi bò, bò không lớn. Trồng chuối, chuối không ra quả hoặc ra quả, nhưng mã xấu, bán không được giá. Còn trồng hoa thì bị dệp và sâu cắn lá. Thời điểm đó, tôi rất hoảng sợ vì có khả năng sẽ... vỡ nợ. Nhưng may mắn là được các chị em bên Hội phụ nữ quan tâm, đã đến tận nơi hỗ trợ, hướng dẫn tôi cách làm, cách chăm sóc và chỉ một thời gian sau, mọi thứ đã thay đổi theo hướng tích cực hơn", bà Thu chia sẻ.
Năm thứ 2 kể từ khi đầu tư cũng là năm bà Thu được hái quả ngọt. Vườn chuối quy mô hàng trăm gốc của bà đã ra quả đều, mẫu mã đẹp và được xuất vào các siêu thị trên địa bàn tỉnh với giá 150.000 đồng/buồng. 2 con bò giống cũng đã sinh đẻ, mỗi con bò con, bà Thu bán với giá 3 triệu đồng. Còn rau, củ được cung cấp vào các trường mầm non trên địa bàn huyện A Lưới.
Từ 2 con bò giống năm 2018, đến nay mô hình bò của bà Thu đã lên tới 11 con. Mỗi năm bà Thu kiếm hàng chục triệu đồng từ việc bán bò con. Ngoài việc bán bò, phân của bò cũng được bà Thu tận dụng để chế tạo thành phân hữu cơ để bón chuối, bón hoa. Còn cây chuối sau khi thu hoạch được bà làm thức ăn cho bò.
Bà Thu ước tính, trừ các khoản chi phí, mỗi năm bà lãi khoảng 50 triệu đồng. Năm 2020, bà Thu thoát nghèo. Hiện tại kinh tế của bà thuộc diện vững vàng trong xã. Thế nhưng ở độ tuổi 60, người phụ nữ dân tộc Cơ Tu này vẫn chưa hài lòng với mức thu nhập hiện tại. Gần đây, bà đã xây dựng lên 6 cái chòi ven suối để cho khách du lịch thuê với giá 120.000/ngày.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn