Đến xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, những ngày này, có thể thấy rõ sự đổi thay vượt bậc của một xã nông thôn mới. Những nương chuối xanh ngát sai trĩu quả, những ngôi nhà khang trang hai bên đường, những con đường bê tông thẳng tắp dẫn vào từng bản, đã minh chứng cho diện mạo mới của xã vùng cao biên giới này. Trên hành trình đổi thay của xã, không thể thiết những tấm gương vươn lên thoát nghèo của những người phụ nữ dân tộc thiểu số.
Chị Hoàng Xa Ngậu, người dân tộc Dao ở xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, gây ấn tượng mạnh với tôi ngay trong lần gặp đầu tiên bởi phong thái nhanh nhẹn, hoạt bát, lối nói chuyện cuốn hút. Câu chuyện về cuộc đời chị là cả một hành trình đầy nỗ lực, quyết tâm vượt khó vươn lên với sự giúp đỡ, động viên tinh thần của các hội viên Hội LHPN xã Ma Li Pho.
Buổi sáng, chị Ngậu thường ngồi bàn chuyện với những người bạn, đồng nghiệp ở điểm hẹn là một quán cà phê gần cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng. Chị Ngậu sinh hoạt cùng các nữ thương nhân chuyên thu mua, xuất khẩu các mặt hàng sang Trung Quốc. Họ cùng ngồi uống trà, trò chuyện, bàn bạc về giá chuối, lượng thu mua, tìm đường xuất sang Trung Quốc...
Chị Ngậu bảo với tôi: "Vùng này là vùng trồng chuối trọng điểm của huyện Phong Thổ. Bà con nhân dân giàu lên là nhờ chuối. Mấy năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu chuối gặp nhiều khó khăn, thu nhập của bà con giảm hơn so với trước đây nhưng trồng chuối vẫn giữ vai trò là nguồn thu nhập chính của bà con".
Chị kể: "Trước khi có dịch Covid-19, cửa khẩu này nhộn nhịp người mua bán chuối lắm. Bãi tập kết chuối được tổ chức ngay gần cửa khẩu. Hoạt động xuất nhập khẩu rất thuận lợi, chuối vừa được giá, vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển".
Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, điện thoại chị Ngậu đổ chuông liên tục. Các cuộc hội thoại của chị đều liên quan đến chuối, từ việc trả giá đến liên hệ xe bốc hàng, vận chuyện, làm thủ tục thông quan cho chuối... Có một điều khiến tôi khá ngạc nhiên và tò mò là chị Ngậu không biết chữ nhưng tính toán và giao tiếp cả bằng tiếng Việt, tiếng Dao cũng như tiếng Trung Quốc, sử dụng mạng xã hội vào việc trao đổi với bạn hàng rất thành thạo.
Như trả lời cho thắc mắc của tôi, chị Ngậu bảo: "Hồi nhỏ, nhà tôi khó khăn quá nên tôi không được đi học. Không biết chữ chính là điều đáng tiếc nhất của tôi. Khi đã lớn lên, tôi học nói tiếng Việt, tiếng Trung từ những người xung quanh mình. Vì không biết viết chữ nên tôi trao đổi trực tiếp với bạn hàng hoàn toàn bằng cách gọi điện hoặc gửi tin nhắn thoại. Để bạn hàng tin tưởng, tôi thường quay video hoặc livestream quá trình nhập, sơ chế, đóng gói chuối. Còn phần tính toán, nhẩm mãi thành quen với lại giờ có máy tính mà. Giấy tờ, hóa đơn phục vụ việc xuất khẩu chuối thì đã có công ty dịch vụ chuyên lo rồi", chị Ngậu cười vang.
Nhìn ngôi nhà bề thế hiện tại của chị Ngậu, không ai nghĩ rằng trước đây chị từng phải ăn đói, mặc rét, ở nhà dột nát vì quá nghèo. "Tôi tự lập từ năm 2002, lúc đó tôi 19 tuổi. Cả một năm trời chỉ tôi chỉ gom góp được 300.000 đồng thôi. Cuộc sống của tôi lúc đó nghèo khó lắm, ở trong nhà đất lụp xụp, thiếu ăn triền miên. Trong nhà chỉ có 2 cái bát to, 2 cái bát nhỏ để ăn cơm. Tôi phải vác dao đi phát nương, gieo 4-5 bao hạt giống bông. Sau đó lại tự mình thu hái, vác bông ra chợ bán cho người ta. Tôi nhớ 1 kg bông hồi đó bán được 2,5 tệ (tiền Trung Quốc)", chị Ngậu kể.
Sau khi có 2 người con, cuộc sống của vợ chồng chị càng thêm khó khăn. Chị Ngậu kể tiếp: "Ban ngày tôi đi làm nương, đến tôi, ăn cơm xong tôi lại đeo đèn pin trên trán đi cuốc đất, khai hoang ruộng nước. Được sự tuyên truyền, giúp đỡ của Hội LHPN xã, tôi hỗ trợ vay vốn nuôi lợn, gà để cải thiện kinh tế gia đình. Đến năm 2013, tôi đi tra ngô thuê cho người ta, mỗi ngày được 100.000 đồng. Cũng thời gian đó, hoạt động xuất khẩu chuối phát triển mạnh mẽ, nhu cầu nhân công bốc xếp chuối rất lớn, tôi chuyển sang làm thuê cho các chủ vườn chuối. Mỗi ngày người ta trả 200.000 đồng, tôi nhịn cả ăn trưa để tiết kiệm tiền", chị Ngậu nhớ lại.
Năm 2015, khi đã có một số vốn nhất định, với sự tư vấn của những người đi trước và những kiến thức thu nhận được qua các buổi tuyên truyền, tập huấn về các mô hình giảm nghèo của chính quyền, chị Ngậu đầu tư trồng chuối, đồng thời học nghề thu mua chuối để xuất sang Trung Quốc. Năm 2016, kinh nghiệm còn ít, chị Ngậu chỉ thu lời 20 triệu đồng. Năm 2017, chị thu lợi nhuận từ chuối được 100 triệu đồng. Con số này tăng lên 400 triệu đồng vào năm 2019. Cùng với tiền bán chuối, chị Ngậu đã làm được ngôi nhà to, rộng, khang trang.
Lắng nghe câu chuyện của chị Hoàng Xa Ngậu, tôi tin, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng nếu những người phụ nữ vùng cao cũng luôn lạc quan luôn chăm chỉ, chịu khó làm ăn như chị thì hành trình thoát nghèo bền bền vững sẽ không còn xa nữa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn