Hành trình vạn chữ ký của mẹ tử tù Vũ Văn Tiến

12:20 | 20/07/2016;
Phiên xử phúc thẩm vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước đã khép lại với 2 bản án tử hình. Bản án đúng người, đúng tội song với trường hợp của Vũ Văn Tiến, hành trình nuôi hy vọng “cứu con” của mẹ tử tù này khiến nhiều người cảm thông, động lòng trắc ẩn.
1.JPG
Nỗi đau lộ rõ trên gương mặt khắc khổ của bà Thi khi con nhận án tử hình.

Bà Vũ Thị Thi (mẹ bị cáo Tiến) như ngất lịm khi nghe phán quyết cuối cùng của Tòa án: Y án tử hình đối với bị cáo Vũ Văn Tiến.

Chẳng ai nghi ngờ tính hà khắc của phán quyết trên vì đó là bản án đúng người, đúng tội khi những kẻ thủ ác đã ra tay tàn độc với 6 nạn nhân, trong đó có 2 trẻ em.

Thế nhưng, đằng sau nỗi đau vô bờ bến của thân nhân người bị hại thì còn một nỗi đau của người mẹ tử tù Vũ Văn Tiến. Nhìn hành trình nuôi hy vọng cứu con cũng như những lời gan ruột của bà mới thấy lòng mẹ bao la mức nào, ngay cả khi đứa con ấy đáng bị cách ly vĩnh viễn khỏi xã hội như lời phán xét của công lý.

Bà Thi bồi hồi nhớ lại những ngày thăm Tiến tại trại tạm giam: “Thấy nó gầy gò, xanh xao, tinh thần suy sụp, tôi muốn chạy đến ôm nó nhưng bị tấm lưới sắt ngăn cách. Gặp tôi, nó mếu máo: “Mẹ ơi, con sợ chết lắm”. Người làm mẹ như tôi nghe mà tan nát ruột gan”.

Khi đó, bà đã động viên Tiến: “Mẹ sẽ gửi đơn khắp nơi để cầu cứu. Mẹ không đang tâm để con chết được”.

Rồi bà đi vay mượn khắp nơi để có tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân; miệt mài hàng tháng trời đi gõ cửa nhiều nơi, thuyết phục từng người ký tên tha tội chết cho Tiến. Tất nhiên, những việc làm này chỉ là yếu tố để “tham khảo” trước Tòa, không hề có giá trị mang tính căn cứ pháp lý để xem xét lại bản án sơ thẩm.

Dù vậy, là một người mẹ, bà Thi vẫn nuôi hy vọng mong manh con trai mình có thể được thoát án tử hình: “1% cơ hội, tôi vẫn phải cứu con”, bà nói.

1.jpg
Cuốn tập thỉnh cầu 10.000 chữ ký của người dân xin tha chết cho Tiến.

Thế rồi, cả nhà bà chia nhau đi các ngả để xin chữ ký. Hai vợ chồng bà đi khắp các khu dân cư trong huyện Hóc Môn (TP.HCM). Còn con gái bà thì xin chữ ký ở chỗ làm, rồi lên tận Bình Phước, Bình Dương… Gia đình bà ai cũng mất ăn, mất ngủ chỉ lo làm sao để Tiến được cơ hội sống.

Trong hành trình đau khổ ấy, có người ủng hộ nhưng nhiều người lắc đầu từ chối, thậm chí khinh miệt, chửi rủa: “Mẹ thằng Tiến giết người dã man đó. Cho chữ ký xin tha cho nó làm gì”. Người cho chữ ký, bà lạy tạ; người lắc đầu từ chối hay buông lời chỉ trích bà bỏ ngoài tai, miệt mài đi chỗ khác. “Họ chửi tôi, khinh tôi thế nào cũng được cả. Tôi chấp nhận hết. Chỉ cần cho tôi 1 chữ ký”, bà bộc bạch.

4.jpg
Bị cáo Vũ Văn Tiến trong phiên xử phúc thẩm.

Đến ngày 16/3, sau hơn 2 tháng đi gõ cửa từng nhà, bà Thi đã mang 3 cuốn tập, trong đó có gần 10.000 chữ ký của người dân đến giao cho luật sư Lê Văn Nam (người bào chữa cho Vũ Văn Tiến). Từng người đều ghi rõ họ tên, số điện thoại hoặc địa chỉ nhà rõ ràng.

Gần 10.000 chữ ký với biết bao đồng cảm, sẻ chia và không thiếu cả những hụt hẫng, cực khổ, đau đớn, khi bị từ chối. Bà Thi cũng đã nhiều lần bị ngất xỉu vì mất sức di chuyển; chồng bà cũng bị tông xe. Nhưng vì con, họ đã gượng dậy, tiếp tục ôm chồng giấy trắng tìm đến tất cả những nơi có thể xin được chữ ký, với một niềm tin con bà sẽ được giảm án, dù hy vọng là rất mong manh với tội ác tày trời Tiến đã gây ra.

Trước giờ xét xử phúc thẩm, bà Thi nước mắt giàn giụa cùng con gái chắp tay vái lạy cầu xin gia đình nạn nhân tha thứ cho lỗi lầm của con trai mình trước sân tòa. Không ai trách sự thiếu cảm thông của thân nhân những người bị hại bởi nỗi đau không đo đếm được do chính con bà là một trong những kẻ gây ra. Nhưng cộng đồng khi xem bức ảnh này cũng thật cảm thông với bà.

2.jpg
Hình ảnh bà Thi cùng con gái quỳ lạy gia đình nạn nhân trước cổng Tòa khiến nhiều người cảm thông.

Và rồi, những gắng gượng của người mẹ khắc khổ ấy vẫn không cứu nổi con trai mình. Nhìn bà, người ta có thể cảm nhận được nỗi đau đến tận xương tủy. “Có người mẹ nào muốn thấy con bị tử hình đâu. Nếu được chết thay con thì tôi cũng cam lòng”, bà nói trong nước mắt.

Sau khi có phán quyết cuối cùng của tòa án, Tiến chỉ còn 1 cơ hội cuối cùng để sống đó là gởi đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước. Thời hạn trong vòng 7 ngày kể từ ngày kết thúc phiên xử phúc thẩm. Tất cả những gì còn lại với bà bây giờ là 7 ngày chạy đua với thời gian để gửi lá đơn ân xá cho Chủ tịch nước. Bà Thi nói: “Tôi sẽ đón xe ra Hà Nội để gửi tận tay lá đơn này”.

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn