Theo trang tin trực tuyến Mỹ Grunge số đầu tháng 4/2022, năm 1995, Christina Santhouse lúc đó mới 7 tuổi sau kỳ nghỉ cùng gia đình đến Jersey Shore trở về thì bàn chân bắt đầu co giật không ngừng. Gia đình đưa cô đến bệnh viện, bác sĩ khám và phát hiện Santhouse mắc chứng viêm não Rasmussen. Đây là bệnh tự miễn, khiến một nửa não của cô bị viêm nặng, tạo ra những cơn co giật. Bệnh tình của Santhouse trở nên tồi tệ hơn, có ngày xuất hiện tới 150 cơn co giật.
Theo BV Nhi đồng Texas, Mỹ (TCH), trên toàn thế giới chỉ có khoảng 500 trường hợp được biết đến mắc bệnh Rasmussen. Đây là căn bệnh hiếm gặp và không rõ nguyên nhân chính xác gây bệnh. Phần lớn người mắc bệnh đều thuộc nhóm dưới 10 tuổi.
Chứng viêm não Rasmussen chỉ làm tổn thương một bên não. Người mắc thường xuyên xuất hiện những cơn co giật, gây sa sút về tinh thần và thể chất, đặc biệt là làm cho cơ suy yếu và cuối cùng dẫn đến mất các kỹ năng vận động hoặc tê liệt một bên người. Phần não trái bị ảnh hưởng, các vấn đề về lời nói có thể xuất hiện và gây tổn thương thần kinh lâu dài. Trong trường hợp của Santhouse, các bác sĩ tin rằng nếu không cắt bỏ một nửa não bị viêm, bệnh nhân sẽ chết.
Theo TCH, những người được chẩn đoán viêm não Rasmussen có hai lựa chọn là dùng thuốc chống động kinh hoặc steroid và phẫu thuật nhưng thực tế thuốc không giúp ích được nhiều. Bản thân Santhouse đã được cho uống thuốc chống động kinh, steroid và hóa trị nhưng bác sĩ cảnh báo đây chỉ là lựa chọn ngắn hạn. Do hằng ngày Santhouse xuất hiện hàng trăm cơn động kinh nên gia đình đã quyết định phẫu thuật cho cô. Ngày 13/2/1996, Santhouse đã được cắt bỏ bán cầu não trong ca phẫu thuật kéo dài 14 giờ tại BV John Hopkins. Mặc dù bị mất một số khả năng vận động ở bên trái, nhưng Santhouse đã trở lại trường học chỉ sau 9 tuần phẫu thuật.
Nỗ lực vươn lên
Theo ABC News, sau khi phẫu thuật cắt bán cầu, Santhouse phải đi khập khiễng với chân trái bị liệt một phần và bị mất thị lực ngoại vi ở bên mắt trái, còn tay trái cũng bị liệt. Tuy đau đớn, Santhouse vẫn phải luyện tập để thích nghi với những khuyết tật mới của mình. Ngoài ra, Santhouse còn gặp vấn đề phát ngôn nên luôn cảm thấy bị cô lập với các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, Santhouse đã nỗ lực vươn lên.
Tuy chỉ còn nửa bộ não nhưng vẫn không ngăn được Santhouse trở thành sinh viên xuất sắc trong học tập. Ở trường trung học, Santhouse luôn đạt điểm cao và trở thành học sinh danh dự. Sau khi tốt nghiệp trung học, Santhouse theo học Đại học Misericordia ở Pennsylvania (Mỹ). Trong 5 năm ngồi ghế giảng đường đại học, Santhouse đã lấy được bằng cử nhân và thạc sĩ. Sau khi ra trường, Santhouse được nhận vào làm việc tại Bucks County Intermediate Unit, một cơ quan có trụ sở tại Pennsylvania chuyên hỗ trợ các trường công lập và trở thành chuyên gia trị liệu về diễn đạt. Santhouse còn mua được nhà riêng cho mình, và tìm thấy tình yêu với Vince Paravecchia, một người đàn ông đã hiểu và yêu thương cô thực sự.
Paravecchia thú nhận, thời gian đầu mới quen nhau, anh không hề hay biết vợ mình đã mất một nửa bộ não. Kết quả của hôn nhân đã mang đến cho cặp đôi một bé gái kháu khỉnh và khỏe mạnh vào tháng 6/2017. Theo hãng tin AP, trước khi sinh con, Santhouse và Paravecchia đã gặp các bác sĩ chuyên khoa để tư vấn và biết việc mang thai sẽ không gây nguy hiểm cho sức khỏe của Santhouse. Khi biết mình mang thai đứa con đầu lòng, Santhouse đã tiến hành vật lý trị liệu để đảm bảo có thể chăm sóc con mình đầy đủ và đúng cách. Tháng 3/2019, Santhouse sinh tiếp con thứ hai, đặt tên là Amelia Grace. Cả hai lần mang thai đều khó khăn nhưng Santhouse đã học cách để tự nuôi con trong khi chỉ có một tay hoạt động được.
"Ai cũng vậy, đều có những khoảng thời gian khó khăn, nhưng mọi người cần phải biết giữ ngọn lửa hy vọng và hành động để tự cứu mình trước những trắc trở của cuộc đời. Tôi cũng vậy, có lúc muốn buông nhưng nhờ nghị lực nên tôi đã vượt qua", Santhouse chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn