Hành trình vượt qua cửa tử của bé sinh non 25 tuần, nặng 700g

16:32 | 01/11/2022;
Bé sơ sinh chào đời khi mới 25 tuần, nặng 700g, sức khỏe yếu, tưởng không thể nuôi sống.

Chào đời ở tuần 25, nặng 700g 

Ngày 1/11, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, sau hơn 3 tháng chăm sóc, các bác sĩ Khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh của bệnh viện đã nuôi sống thành công bé gái con sản phụ Đ.T.M.N. (trú tại Hà Tĩnh), chào đời ở tuần 25, chỉ nặng 700 gram.

Theo hồ sơ bệnh án, trước đó, bé gái sinh non được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trong tình trạng tiên lượng rất nặng, đe dọa tử vong cao.

Trong những ngày đầu, tình trạng bệnh nhi diễn biến hết sức phức tạp, luôn ở trong tình trạng nặng. Trẻ được nằm lồng ấp, hỗ trợ thông khí bằng máy thở, bơm thuốc surfactant, đặt đường nuôi dưỡng qua tĩnh mạch rốn và duy trì thuốc vận mạch. Ngoài ra, trẻ còn được điều trị kết hợp bệnh lý vàng da và bệnh võng mạc ở trẻ sinh non.

Bác sĩ Trương Lệ Thi, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh cho biết, thể trạng của bé sơ sinh rất non yếu, chỉ 700 gram. Nhịp tự thở của bé kém, da tái, bầm tím nhiều vùng mặt, phổi thông khí kém, bộ phận sinh dục ngoài chưa hoàn thiện, mạch bẹn bắt kém.

Ngoài ra, các cơ quan trong cơ thể bé chưa trưởng thành, hoàn thiện nên nguy cơ suy hô hấp, suy tuần hoàn và nhiễm trùng của bệnh nhi rất cao. 

Thấu hiểu sự mong mỏi, lo lắng, cũng như kỳ vọng rất lớn của gia đình các y, bác sĩ xác định nỗ lực điều trị và chăm sóc để cứu sống bé; cũng như mang lại hạnh phúc cho đại gia đình.

Cũng theo bác sĩ Thi, đối với các trẻ non yếu, cân nặng cực thấp, chế độ điều trị được tính toán cẩn thận bao gồm lượng dịch, năng lượng và lượng sữa theo từng ngày tùy thuộc cân nặng. Trẻ được theo dõi cân nặng 2 lần/tuần để điều chỉnh kịp thời, đảm bảo trẻ tăng cân tốt trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó, việc tuân thủ chế độ chăm sóc, đảm bảo vô khuẩn trong quá trình trẻ nằm viện được thực hiện nghiêm ngặt.

Hành trình vượt qua cửa tử của bé sinh non 25 tuần, nặng 700g - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An chăm sóc cho trẻ sinh non

Sau hơn 3 tháng điều trị, trẻ được xuất viện. Dưới sự chăm sóc của các y bác sĩ tại khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, từ em bé sinh non nặng vỏn vẹn 700 gram, cân nặng của bé đã đạt 2,75kg, sức khỏe ổn định. Đây là bước đệm quan trọng giúp cho bé phát triển bình thường như bạn bè cùng lứa. Trẻ được khám sàng lọc đầy đủ về thính lực, sàng lọc bệnh võng mạc trẻ đẻ non đầy đủ trước khi ra viện.

Yếu tố nào làm tăng nguy cơ sinh non

Theo bác sĩ Thi, trường hợp con sản phụ Đ.T.M.N. là một trong số rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh non tháng được cứu sống và nuôi dưỡng thành công tại khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh. Đây là thành quả đáng tự hào, khẳng định trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Các bác sĩ cũng cho biết, điều trị, chăm sóc một trẻ sơ sinh thiếu tháng, nhẹ cân là cả một quá trình bền bỉ, có khi kéo dài nhiều tháng trời mới thành công. Và niềm vui ra viện của các bé cũng là niềm hạnh phúc của cả một tập thể các y bác sỹ, những người đã dành hết tâm sức để cùng các "chiến binh" tí hon vượt qua cửa tử.

PGS. Vũ Bá Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ cho rằng, trẻ sinh non có thể gặp phải một số rủi ro nhất định bởi vì các bé được sinh ra quá sớm có thể không được phát triển đầy đủ. Vì thế, trẻ có thể bị suy hô hấp, nhiễm trùng...

Theo bác sĩ Quyết, những yếu tố làm tăng nguy cơ sinh non, bao gồm đã có tiền sử sinh con sớm; có cổ tử cung ngắn là nguyên nhân dọa sinh non; đã từng thực hiện phẫu thuật trên tử cung hoặc cổ tử cung; một số rối loạn khi mang thai, chẳng hạn như mang đa thai hoặc chảy máu âm đạo. Ngoài ra, các yếu tố về lối sống như ít vận động, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thường xuyên căng thẳng và lạm dụng chất gây nghiện (hút thuốc, uống rượu) khi mang thai.

Để hạn chế nguy cơ sinh non, phụ nữ đã từng sinh non và nếu có dự định sinh con cần thực hiện kiểm tra chăm sóc trước sinh để có được sức khỏe tốt nhất trước khi có thai. Trong thời kỳ mang thai, nên thực hiện khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi đó, bác sĩ sẽ kiểm soát chặt chẽ các rủi ro và nguyên nhân dọa sinh non có thể xảy ra. Ngoài ra, sản phụ thường được cung cấp một số loại thuốc hoặc thực hiện phương pháp điều trị theo phác đồ để ngăn ngừa chuyển dạ sinh non.

Ngoài ra, quá trình mang thai nếu sản phụ có các dấu hiệu bất thường như dịch tiết âm đạo có sự thay đổi, tăng áp lực vùng chậu hoặc dưới bụng; đau lưng ở vùng thấp liên tục, âm ỉ; chuột rút nhẹ ở bụng; đau quặn bụng giống đau bụng kinh; vỡ màng ối… thai phụ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị kịp thời. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn