Hành trình xóa mù chữ của những bà góa tuổi lục tuần

12:20 | 21/06/2017;
Khi người dân làng Phangane, bang Maharashtra (Ấn Độ) nghỉ ngơi giữa buổi trưa nóng bức thì những người phụ nữ tóc đã ngả màu sương lại vội vã mang cặp đến trường. Hành trang đến lớp của họ là một tấm bảng đen, vài viên phấn và một quyển sách giáo khoa.
Hành trình đến với tri thức

Ngồi trên tấm thảm bông, họ mở cặp ra lấy bút vở chờ đợi. Chỉ một vài phút sau, cô giáo Sheetal More (30 tuổi) bước vào, bắt nhịp cho họ hát một bài hát trước khi bắt đầu học bảng chữ cái. Người ít tuổi nhất trong lớp năm nay cũng đã 60 tuổi, người lớn nhất đã bước vào tuổi 90. Hầu hết đều có hoàn cảnh chung là khi còn nhỏ, họ phải ở nhà làm việc nhà để các anh em trai được đi học, sau đó, phải lấy chồng sớm, sinh con, nuôi con và chăm sóc nhà cửa.

Lớp học đặc biệt này có 29 người theo học, bắt đầu từ 2 giờ chiều và kéo dài 2 tiếng mỗi ngày. Ở tuổi xế chiều, chuyện học hành của các bà không hề đơn giản: Người thì mắt kém không thấy rõ, người ngồi lâu bị đau chân... Tuy nhiên, họ vẫn vui vẻ cùng nhau đến trường 6 ngày/tuần. Bà Gulab Kedar (62 tuổi) với ánh mắt rạng rỡ niềm vui cho biết: “Khi còn nhỏ, tôi chưa bao giờ được đi học. Cho đến cuối đời mới được cùng bạn bè đến trường, dù vậy chúng tôi vẫn rất hạnh phúc”.

a-3.jpg
Các cụ luôn được con cháu hỗ trợ việc học

Còn bà Ansuya Deshmukh (90 tuổi) chia sẻ: “Hồi xưa nhà tôi nghèo lắm. Bố mẹ tôi không có tiền để mua cặp, sách, bút vở và quần áo cho tôi đến trường, nên việc học của tôi chẳng được quan tâm. Đến năm 10 tuổi thì tôi phải đi lấy chồng”.

Sau một thời gian theo học, bà Ansuya đã viết được tên mình và đếm được đến số 21. Bà Janabai Dajikedar, 75 tuổi, nói trong niềm hãnh diện: “Khi còn nhỏ tôi chẳng có cơ hội được học hành, đến cả ký tên tôi cũng không biết. Do vậy mỗi khi đến ngân hàng giao dịch, tôi rất xấu hổ vì mình chỉ biết lăn tay thay cho chữ ký. Bây giờ, tôi có thể ký tên được rồi, tôi rất tự hào về điều đó”.

Hạnh phúc hơn nhờ học vấn

Ngôi trường có tên là Aajibaichi Shala, trong tiếng Marathi có nghĩa là “trường học dành cho người lớn”. Lớp học được làm bằng tre, có mái che bằng cỏ khô và khung cửa sổ nhỏ. Cơ sở vật chất của ngôi trường được một tổ chức từ thiện địa phương tài trợ. Ý tưởng thành lập trường là của thầy giáo Yogendra Bangar (41 tuổi), giáo viên của trường tiểu học Phangane cách đây 3 năm.

Ông bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình hồi năm ngoái khi nghe những người phụ nữ lớn tuổi trong cộng đồng than phiền rằng họ không biết chữ để đọc kinh trong những buổi cầu nguyện. Thầy Bangar giải thích: “Tất cả những điều chúng tôi làm là để chấm dứt thái độ khinh thị của cộng đồng dành cho người mù chữ. Đồng thời giúp họ có một cơ hội học tập, điều đó có thể giúp họ hạnh phúc hơn”.

Thầy Bangar nói thêm: “Hầu hết người học ở đây đều là góa phụ. Lẽ ra, theo tục lệ, họ phải mặc trang phục màu trắng, không được mặc màu sáng khác để thể hiện sự nhớ tiếc người chồng quá cố của họ. Tuy nhiên, vì muốn phá vỡ những cấm kỵ vô lý đó, trường đã cố tình chọn màu hồng làm đồng phục để nhấn mạnh sự quan trọng của họ trong cộng đồng. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn mô hình học tập này sẽ được nhân rộng ở các ngôi làng khác vì tỉ lệ phụ nữ ở nông thôn mù chữ hiện nay vẫn ở mức cao, 59%”.

a1.jpg
Thầy Bangar và các học viên ở tuổi ngoài lục tuần

Tất cả 70 gia đình trong làng đều ủng hộ dự án này, họ vui vẻ đưa mẹ và bà đến trường, cũng như tham dự ngày khai giảng đầu tiên vào tháng 3 năm ngoái. Sau một thời gian học tập, với sự hướng dẫn của cô Sheetal More, mọi người đã có thể đọc được những bài tập đọc đơn giản, viết tên mình lên bảng và làm được những bài toán đơn giản như cộng, trừ...

Dù quy mô của lớp học chỉ khoảng 30 người, nhưng thầy Bangar cho biết, thầy luôn tổ chức các sự kiện một cách trang trọng nhất có thể. Ví dụ, lễ khai giảng có kèn trống, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và kỷ niệm 1 năm thành lập trường thì có tiệc, các hoạt động vui chơi dành cho học sinh cao tuổi như: Khiêu vũ, chơi những trò chơi nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe người cao tuổi.

Với thầy Bangar, những người ở tuổi xưa nay hiếm này chính là những viên ngọc sáng của cộng đồng không chỉ vì những điều họ đã đóng góp cho xã hội trong suốt thời tuổi trẻ mà còn vì họ là tấm gương để trẻ em học tập.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn