Những ngày qua, thông tin 2 trẻ tử vong do tiếp xúc với chó thả rông khiến dư luận xôn xao. Theo các chuyên gia, trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị chó cắn nhất bởi các em hiếu động, thích động vật, chưa lường được nguy hiểm cũng như chưa có khả năng tự vệ.
Hiểu được sự nguy hiểm của việc chó, mèo thả rông đối với trẻ, nhiều quốc gia đã có quy định rất chặt chẽ. Đơn cử, tại Singapore, tất cả chó phải được xích và kiểm soát khi ở nơi công cộng. Những dòng chó lớn như Bull Mastiff, Bull Terrier… bắt buộc phải rọ mõm. Tại các khu vực chung cư, chủ chó không được phép để chó gây phiền toái cho mọi người như sủa quá nhiều, phá ở nơi công cộng, cắn hay đuổi theo ô tô. Nếu phạm luật, giấy phép nuôi chó có thể bị thu hồi, hoặc không được gia hạn. Mỗi người chỉ được phép nuôi tối đa 3 con chó.
Tại New Zealand, nếu chó cắn người, gia súc, gia cầm, động vật nuôi…chủ sở hữu có thể bị truy tố và bị phạt tiền lên đến 3.000 đôla New Zealand (tương đương hơn 48 triệu đồng). Yêu cầu tối thiểu của chó khi đi ra đường là phải có xích và có người dẫn đi.
Còn tại Canada, người dân dẫn chó, mèo ra đường phải có xích và túi đựng phân, không bắt buộc rọ mõm chó, mèo. Đặc biệt, chủ nuôi phải học để có thể nắm rõ các quy định quản lý vật nuôi.
Tại Việt Nam, trách nhiệm của chủ vật nuôi cũng đã được quy định rõ. Cụ thể, tại Mục 2, Phụ lục 15, Thông tư 07/2016/TT-BNN&PTNT ngày 31/5/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật trên cạn, đã quy định rõ trách nhiệm của chủ vật nuôi. Còn theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, có hiệu lực từ ngày 15/9/2017, đã quy định: "Hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng... bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng". Cũng theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP thì Chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi không rọ mõm hoặc không tiêm phòng bệnh dại cho chó...
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo xã/phường/thị trấn đều cho rằng, dù quy định đã có nhưng rất khó xử lý. Ông Đỗ Văn Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang, Hải Dương), cho rằng, ở nông thôn, hầu như nhà nào cũng nuôi chó để trông nhà. Cũng vì thế, đa phần người dân thả rông, không rọ mõm cho chó. Lãnh đạo UBND thị trấn cũng nắm được các quy định của pháp luật, thẩm quyền xử lý đối với hành vi thả rông, không tiêm vaccine cho chó…Tuy nhiên, do nhân lực của UBND thị trấn ít, chỉ 19-21 biên chế nhưng phải giải quyết các thủ tục hành chính cho 13.000 dân địa phương nên không thể bố trí lực lượng đi kiểm tra thường xuyên, xử lý đối với hành vi thả rông chó, mèo. "Đó là chưa kể, ở nông thôn còn là cái tình, cán bộ xã hầu hết cũng ở trong làng, trong xã nên nếu có phát hiện thì chỉ nhắc nhở chứ không xử phạt", ông Lâm nói.
Đồng quan điểm, lãnh đạo UBND phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cả phường chỉ có hơn 20 biên chế. Vì thế, chỉ riêng xử lý các thủ tục hành chính còn chưa hết việc. Trong khi đó, các quy định như xử lý hành vi tiểu tiện, đại tiện, hút thuốc lá nơi công cộng…đều giao về cấp xã/phường, gây khó cho địa phương.
Về giải pháp xử lý đối với hành vi thả rông chó ngoài đường, tiềm ẩn nguy cơ đối với trẻ em, nhiều người cho rằng phải có giải pháp quyết liệt. Ông Đỗ Văn Lâm cho rằng, hiện nay các xã/phường/thị trấn không có lực lượng chuyên trách để xử lý hành vi thả rông chó, mèo. "Chúng tôi đã tính đến phương án lập một đội chuyên trách để xử lý hành vi thả rông chó của người dân. Lực lượng này vừa tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân, đồng thời kiểm tra, xử lý hành vi thả rông chó, mèo. Dù vậy, cái khó là địa phương không bố trí được kinh phí phụ cấp cho lực lượng này", lãnh đạo thị trấn Kẻ Sặt cho hay.
Đồng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), cho rằng hiện nay đã có nhiều văn bản liên quan đến việc xử lý hành chính đối với hành vi thả rông chó. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc xử lý của chính quyền địa phương gần như là con số 0. Nguyên nhân là bởi nhiều người dân chưa nhận thức đầy đủ sự nguy hiểm của hành vi thả rông chó đối với cộng đồng. Vì vậy, cần có lực lượng chuyên trách hoặc ít ra có người phụ trách thì vấn đề thực thi pháp luật sẽ hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng với người dân, tăng cường lực lượng kiểm tra, đồng thời phải quyết liệt trong xử lý để tạo tính răn đe, hạn chế vi phạm. "Tôi cho rằng, nên giao chức năng và quy trách nhiệm cho tổ dân phố, thôn, làng. Bởi đội ngũ này nắm rõ địa bàn và không quá khó để thực hiện", luật sư Bình nói.
Đồng quan điểm, luật gia Trần Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, để hạn chế nguy cơ đối với việc thả rông chó, gốc rễ là phải quản lý được chủ nuôi. Trong thời đại 4.0, nên chăng phải gắn chip để quản lý, lưu vào kho dữ liệu. Nếu cơ quan chức năng bắt được chó thả rông sẽ dò theo chip để xử phạt chủ nuôi. Ngoài ra, cần buộc chủ nuôi phải tiêm ngừa đầy đủ cho chó.
Mới đây, giữa tháng 2/2023, một du khách Quốc tịch Anh khi đi du lịch tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa) đã bị chó nuôi của một hộ dân tuột xích, xông ra cắn, gây chấn thương nặng. Sau vụ việc này, UBND TP.Nha Trang đã quyết định thành lập đội bắt chó thả rông để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách.
Trước đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã tiên phong trong việc thành lập các đội bắt chó thả rông, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Trước hiệu quả của mô hình này, Bộ NN&PTNT cũng bày tỏ mong muốn các địa phương thành lập đội bắt chó thả rông nhằm hạn chế nguy cơ bệnh dại. Ngay sau đó, nhiều địa phương cũng đã thành lập đội bắt chó thả rông nhằm hạn chế nguy cơ cho cộng đồng.
"Chúng tôi mong muốn lập các đội bắt chó thả rông trên cả nước, có như vậy mới mong dẹp được vấn nạn gây bức xúc lâu nay. Ai ở trong hoàn cảnh đang đi ngoài đường bị chó đuổi hoặc con em đang chơi bị chó cắn thì mới hiểu được nỗi khổ của chúng tôi. Lúc này mà chờ đợi ý thức của chủ nuôi chó thì khó lắm", chị Nguyễn Thị Hoa (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ. Ngoài ra, chị Hoa cũng đề nghị thành lập đường dây nóng tại các địa phương để người dân phản ánh. Đồng thời, tăng chế tài xử lý đối với hành vi thả rông chó của người dân. "Chó thả rông là một trong những mối nguy hiểm tiềm ẩn cho cộng đồng, nhất là trẻ nhỏ. Do đó, tôi đề nghị nếu phát hiện chó thả rông, lực lượng chuyên trách cứ bắt hết lại rồi mang lên UBND xã, phường. Chủ nuôi đến nhận thì phạt theo quy định, trường hợp tái phạm thì nâng gấp đôi, gấp ba mức phạt lần đầu. Chỉ có sự nghiêm khắc của pháp luật thì tình trạng này mới chấm dứt", chị Hoa bày tỏ.
Tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin do Bộ Y tế tổ chức sáng ngày 24/3/2023, Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi xảy ra 2 trường hợp tử vong do bệnh dại tại Nghệ An, Bộ đã cử đoàn công tác vào Nghệ An để xác minh, làm rõ; đồng thời, hỗ trợ ngành y tế địa phương trong công tác tiêm chủng vaccine phòng bệnh dại.
Bộ Y tế cũng cho biết, chó là vật nuôi. Người dân nên chủ động tiêm phòng dại và trách nhiệm chính trong vấn đề này là Bộ NN&PTNT. Hiện Bộ Y tế cũng đang yêu cầu các cơ sở y tế kiểm tra lại huyết thanh điều trị bệnh dại. Nếu thiếu, sẽ yêu cầu nhập khẩu, bổ sung nhằm phục vụ công tác điều trị.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn