Ngày nay, trong gia đình thường có thêm ông bà phụ giúp chăm sóc con cái. Điều này giúp cho các ông bố bà mẹ đỡ vất vả, yên tâm đi làm.
Tuy nhiên, có một điều chúng ta phải thừa nhận. Đó là đôi khi sự nuông chiều của ông bà chính là nguyên nhân khiến trẻ trở nên hư. Bên cạnh đó, nhiều ông bà không tôn trọng cách dạy nuôi con của bố mẹ, luôn cố gắng dành cháu về phía mình và phản đối ý kiến nuôi dạy của bố mẹ.
Con trai của cô Tiểu Lam (Trung Quốc) năm nay 8 tuổi, sống với ông bà ngoại ở quê, bố mẹ đều đi làm ở thành phố. Một lần vào kỳ nghỉ, cô về quê thăm con. Thấy mẹ về nhà, đứa trẻ rất vui mừng, liền khoe với mẹ những phần thưởng đạt được ở trường. Người mẹ không ngớt lời khen ngợi, đứa trẻ rất tự hào.
Trong khi 2 mẹ con đang trò chuyện tình cảm, thì ông nội mải thu dọn đống đồ đạc của cháu nên sơ ý làm rơi chiếc gọt bút chì xuống đất. Đứa trẻ nghe tiếng động vội nhìn sang, chỉ vào ông nội lớn tiếng: "Ông già này cái gì cũng không làm được!".
Người mẹ ban đầu rất sửng sốt. Khi lấy lại bình tĩnh, cô tát vào mặt con. Không thể tin con mình lại nói năng thô lỗ với người ông đã chăm sóc hàng ngày như thế.
Đứa trẻ hét lên tức tưởi. Ông bà lập tức đến bên cháu. Thay vì trách đứa trẻ một chút, họ lại đổ lỗi cho người mẹ, nói rằng không nên đánh con. Ông nội bắt đầu tự kiểm điểm, nói rằng: "Là ông không tốt, vô ý làm rơi đồ của cháu". Bà nội cũng vội vàng giải thích: "Cháu học từ mẹ. Mẹ thường gọi bố là “ông già vô dụng”. Đó không phải là lỗi của cháu".
Đến lúc này, bà mẹ chỉ biết đứng lặng im, không biết nói thêm điều gì. Tuy nhiên, cách hành xử của đứa cháu cùng phản ứng của ông bà khiến ai nấy ngán ngẩm, lo cho tương lai đứa trẻ này.
Nếu một đứa trẻ phản biện với cha mẹ, điều đó cho thấy con có sự tự tin. Nhưng nếu trẻ không biết tôn trọng người lớn tuổi, thậm chí chửi thề, động tay động chân thì lại là một vấn đề khác, nghiêm trọng hơn nhiều.
Điều này trước hết là do chúng quá được cưng chiều. Nhiều ông, bà cung phụng con cháu, coi chúng là trung tâm vũ trụ, đòi gì được nấy. Thứ hai là con cái và cha mẹ không ở cùng nhau, cha mẹ không đủ quan tâm đến con cái. Trẻ thiếu tình yêu thương, khả năng kiềm chế cảm xúc của trẻ sẽ tương đối kém. Hoặc trong một số gia đình, phương thức giao tiếp giữa người lớn với nhau theo chiều hướng bạo lực, thường dùng một số ngôn từ không tốt, trẻ em cũng sẽ học cách giao tiếp đó.
Con cái được hưởng địa vị cao nhất nhà, đây là thực tế của rất nhiều gia đình, là một thất bại của giáo dục. Nếu trẻ không biết tôn trọng người lớn tuổi trong gia đình, sau này trẻ có thể không học được cách tôn trọng bạn bè, bạn học, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển khả năng giao tiếp của trẻ với người khác.
Tư cách đạo đức là "danh thiếp" của một người, cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái. Họ có trách nhiệm giáo dục con cái trở thành người hiểu phép tắc, ăn nói lễ phép.
Những bậc cha mẹ giàu có nhìn xa trông rộng này sẽ có ý thức hướng dẫn con cái làm việc nhà và tự hoàn thành nhiệm vụ của mình. Mẹ mệt thì để con nấu cơm, bố làm thêm giờ vất vả thì con giúp pha trà... Để con học cách giúp người lớn làm việc là một cách giáo dục trách nhiệm cho trẻ rất tốt, cũng có thể thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của lời nói và việc làm của cha mẹ đối với con cái rất quan trọng. Nếu cha không tôn trọng mẹ thì con cái sẽ không học được hiếu kính với mẹ và ngược lại. Nếu bạn là người không hiếu kính cha mẹ, con cái cũng có thể bất hiếu. Vì vậy, hãy làm gương tốt, đối xử tốt với những người xung quanh để con cái trở thành người biết quan tâm.
Mọi điều nhỏ nhặt trong cuộc sống đều có tác động lớn đến trẻ và ảnh hưởng đến việc hình thành giá trị sống của trẻ. Khi trẻ không tôn trọng người khác, chúng ta nên nói cho trẻ biết điều đó là sai. Khi trẻ vi phạm quy tắc nơi công cộng, cha mẹ nên ngăn chặn kịp thời. Từ nhỏ, cần hướng dẫn con cái văn minh, lễ độ, đối xử kính trọng với mọi người xung quanh, đặc biệt là người lớn tuổi.
Không phải đứa trẻ nào sinh ra đã xuất sắc, cũng không có đứa trẻ nào sinh ra đã hư. Cách cha mẹ giáo dục con cái quyết định phương hướng phát triển của chúng sau này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn