Hát Karaoke, bật nhạc gây ồn hàng xóm bị xử lý thế nào?

09:00 | 07/08/2019;
Giờ nghỉ trưa, thậm chí tới 12h khuya họ vẫn tự nhiên hát Karaoke, nghe nhạc với âm thanh lớn gây ồn ào, ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của nhiều nhà xung quanh. Vậy hình thức xử lý như thế nào?

Hỏi: "Gia đình tôi sống ở khu phố gần 5 năm nay. Cách đây 3 tháng, có cặp vợ chồng trẻ mới chuyển về sống kế bên nhà tôi. Họ thường xuyên có nhiều nhóm bạn tới chơi, nhóm bạn nói chuyện khá lớn, đôi khi còn cãi lộn nhau. Một tháng gần đây, họ thường xuyên nghe nhạc, hát Karaoke với âm thanh khá lớn, không kể thời gian nghỉ trưa. Có khi họ hát tới tận 12h khuya.

Xin hỏi Báo PNVN, với trường hợp như trên, tôi có phải nhờ pháp luật xử lý không và cách xử lý như thế nào? Gia đình tôi cũng như nhiều người khác quanh đây đã có qua nói chuyện với nhà kia nhưng không thay đổi được gì nhiều và họ còn giải thích họ để âm thanh không lớn. Vậy làm sao để xác định được mức độ âm thanh cho phép sử dụng?", Đức Duyên (Bình Dương).

 

micro-0.jpg
Ảnh minh họa

 

Luật sư Hoàng Đức - Đoàn Luật sư TPHCM trả lời: 

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì đối với hành vi “Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước tới 06 giờ sáng ngày hôm sau” là hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung và có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Tuy nhiên, nếu nhà hàng xóm của bạn tạo ra tiếng ồn (nghe nhạc, hát...) sau 6h sáng và trước 10h tối thì không thuộc trường hợp bị xử lý hành chính nêu trên.

Bên cạnh đó, trong trường hợp người hát Karaoke gây ra tiếng ồn vượt quá quy chuẩn kỹ thuật cho phép thì theo quy định tại điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ - CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt như sau:

- Phạt cảnh cáo trong trường hợp gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA thì phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền lên đến 160.000.000 đồng trong trường hợp gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA trở lên.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 3 tháng tới 12 tháng và kèm biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định; buộc trả chi phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành.

Việc xác định mức độ tiếng ồn khá phức tạp và mất nhiều thời gian

Việc xác định, đo được độ ồn từ âm thanh hiện nay khá phức tạp. Việc này mất khá nhiều thời gian, bởi các cơ quan tại khu vực không có đủ điều kiện chuyên môn nên phải phụ thuộc vào đơn vị có chức năng chuyên ngành. Nhiều khi nhận được phản ánh, các cơ quan có chức năng liên quan xuống tới nơi thì nhạc cũng đã tắt, tiệc cũng đã tan và người cũng đã về nên việc xác định đo độ ồn cũng không còn khả thi.

Theo chia sẻ của anh Phan Bách: "Nhà tôi sống ở khu phố khá đông dân cư quận Tân Bình, quanh khu nhà tôi lại có nhiều quán nhậu. Tối đến, khách rất đông, các quán hay mở nhạc thu hút khách, rồi cộng thêm các gánh hát rong kéo về mỗi đêm, nhiều hôm có quán bật nhạc lớn tới tận 11h khuya. Có lần gia đình tôi đã gọi điện thoại cho công an khu vực, song khi họ xuống đến nơi thì nhạc đã tắt và mọi người cũng đã về". 

“Trên thực tế hành vi bật nhạc, hát Karaoke gây tiếng ồn vượt mức quy định rất khó xử lý theo Nghị định 155/2016 NĐ - CP vì nó chỉ diễn ra tức thời, không liên tục. Nếu theo Nghị định này, việc xác định có hành vi vi phạm thì cần phải có sự tham gia của các cơ quan chuyên ngành cùng thời điểm được Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp phép đến thực hiện, việc này sẽ khó thống nhất giữa các cơ quan và cần thời gian để chuẩn bị các công cụ phục vụ chuyên ngành”. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn