Sáng tinh mơ, vừa mở cửa, tôi bỗng thấy có người ngồi lù lù ở đầu hè. Nhìn chiếc nón úp lên cả thân thể đang gục đầu khòng khòng, tôi biết đó là bà Lúa. “Ối! Sao bác Lúa lại ngồi đây mà không gọi cửa cho vợ chồng em?”. Bà Lúa bấy giờ mới đứng dậy, tiến đến cầm tay tôi nói thểu não: “Tôi xuống tàu lúc 4 giờ sáng rồi về đây. Sợ gọi cửa làm cô chú thức giấc, ngồi tạm đây chờ sáng vậy”.
Bà Lúa là chị dâu họ xa của tôi, cũng là chủ cũ của căn nhà vợ chồng tôi đang ở. Năm ngoái, sau khi nghỉ hưu, tôi về quê tìm mua một căn nhà cũ để tới ở vào những tháng hè cho đỡ nóng. Biết tin ấy, bà Lúa “xung phong” bán căn nhà này. Tôi hỏi: “Bác đã nghĩ kỹ chưa?”. Bà trả lời quả quyết: “Nghĩ mấy năm nay rồi. Đang tìm người mua mà chưa được. Cô chú là người nhà mua cho thì còn gì bằng”. Tôi nghi ngờ có điều gì nên phải hỏi kỹ: “Vì lý do gì mà bác bán căn nhà này?”. Bà Lúa nói ngay: “Chẳng giấu gì cô chú. Thằng Hưng con trai tôi đang ở cùng vợ con trên thành phố. Nhà nó ở khu chung cư vừa sạch vừa tiện nghi vô cùng. Nó bảo bố mẹ bán nhà ở quê lên ở cùng để chúng tiện bề chăm sóc”. Tôi hỏi: “Thế hai bác có muốn lên ở nhà chung cư không?”. Bà Lúa hồ hởi: “Có, có chứ. Cả đời chúng tôi chân lấm tay bùn, chỉ mơ được sống trong căn nhà như thế. Vừa được gần con cháu, vừa được sung sướng. Cô chú mà không mua, tôi cũng bán cho người khác”. Thế là tôi bàn với vợ mua ngay căn nhà.
Ông bà Lúa buồn chán khi ở nhà chung cư hiện đại cùng vợ chồng con trai (Minh họa: Thuần Phong)
Vậy mà hôm nay thấy bà Lúa xuất hiện đột ngột, tôi nghi có chuyện gì về nhà cửa. Tôi vội hỏi: “Bác về có việc gì vậy?”. Bà Lúa nghĩ mãi mới nói rụt rè: “Cũng chẳng có việc gì hệ trọng. Tôi sống trên đó bí bách quá, cô chú cho tôi ở nhờ một vài ngày để tôi hít thở chút khí trời quê hương”. Giọng bà Lúa chùng lại như muốn khóc. Tôi hỏi: “Bác trai đâu? Sao hai bác bảo thích ở nhà chung cư cơ mà?”. Bà Lúa bấy giờ mới tâm sự: “Ông ấy không chịu được con dâu, bỏ đi Thái Bình chơi với đồng đội cũ, còn định ở lại trông coi đầm cá với ông bạn cho thoát cảnh ở nhà chung cư. Còn tôi, cũng không chịu được cảnh con trai nghe vợ o ép bố mẹ. Ai đời nhà có 2 phòng thì vợ chồng con cái chúng nó chiếm hết. Bảo bố mẹ nằm sàn gỗ phòng khách để tiện xem tivi và trông nhà. Ban ngày chúng tôi thay nhau trông thằng bé 2 tuổi, đón thằng lớn 7 tuổi, rồi đi chợ, thổi cơm, giặt giũ lau nhà bơ phờ cả người. Khổ nhất là nỗi cô đơn không có bạn chuyện trò. Nhà nào cũng đóng cửa im ỉm, không ai giao du quan hệ với ai. Có hôm chồng tôi sang hàng xóm đánh ván cờ, trở về, đứa con dâu nhắc nhở: “Ở đây không ai quan hệ với ai, ông bà cứ ở trong nhà, muốn ăn gì có nấy, muốn uống gì có ngay trong tủ lạnh. Bố mẹ ra khỏi nhà là con không yên tâm”.
Nói xong, bà Lúa thở dài thườn thượt. Rồi bà kết luận: “Nói chung là ở với chúng nó khó chịu lắm. Tù túng không giao tiếp với xã hội, ở thì cao nằm thì thấp, nhà vệ sinh có mỗi 2 cái, sáng ra bao nhiêu người phải chờ đợi nhau. Tức nhất là hễ máy móc trong nhà mà hỏng hóc là con dâu lại đổ cho mình. Hôm qua cái bình nóng lạnh bị hỏng, nó đổ ngay vì tôi bật bình suốt ngày nên bị cháy”.
Tôi chia sẻ: “Bác bí bách quá thì ở đây ở với chúng em vài ngày cho thay đổi không khí”. Nhưng bà Lúa không ở lâu, chiều ấy, bà lại ra tàu lên thành phố. Khi đi, tôi thấy bà ra vườn ôm gốc cau thì thầm, rồi nước mắt giàn giụa.
Đêm ấy, tôi bàn với vợ: “Chúng mình chỉ ở căn nhà này 3 tháng hè, ngoài ra thỉnh thoảng mới về. Hay ta thuê bà Lúa về trông coi giúp. Có người ở, căn nhà và mảnh vườn sẽ ấm áp và sạch sẽ lên rất nhiều”. Vợ tôi đồng ý. Thế là hôm sau, tôi gọi điện ngay cho bà Lúa. Bà mừng quá nói luôn: “Cô chú cứ khóa cửa nhà chính, tôi sẽ bỏ tiền tu sửa gian bếp thành nhà ở cũng sướng chán. Cho ông nhà tôi về ở trông coi với nhá!”.