Vườn rau thủy canh của anh Phan Lâm Thông, ở ấp 10, xã Thuận Hưng với diện tích 630m2 đang chuẩn bị nguyên liệu và hạt giống rau thủy canh để kịp phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới. Các giống rau anh lựa chọn gồm rau xà lách, cải ngọt, cải bó xôi, cải cầu vòng, cần tây, cải kale để phục vụ thị trường vào dịp Tết. Với hệ thống thủy canh, gia đình anh có thể cung cấp rau sạch với số lượng lớn và chất lượng đồng đều.
Theo anh, ưu điểm nổi bật của mô hình là từ khi trồng đến thu hoạch không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học và còn tiết kiệm được nguồn nước, giúp cây phát triển nhanh và ít bị sâu bệnh, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, trồng rau thủy canh trong nhà lưới, rau phát triển tốt trong điều kiện khí hậu ổn định, giúp người nông dân dễ dàng kiểm soát chất lượng sản phẩm và cung cấp ra thị trường sản phẩm rau an toàn, bán được giá cao.
Bên cạnh đó, mô hình nhà lưới và dàn thủy canh được khấu hao nhiều năm (trên 5 năm) nên chi phí bình quân cho nhiều năm sẽ giảm xuống rất nhiều.
Anh Thông kỳ vọng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 có thể cung ứng khoảng 600kg rau thủy canh sạch cho thị trường dịp Tết sắp tới, với giá bán 45.000/kg. Sau khi trừ chi phí, anh còn lợi nhuận gần 20 triệu đồng.
Trồng rau thủy canh không chỉ đáp ứng nhu cầu rau xanh trong dịp Tết mà còn mang lại thu nhập cao cho hộ gia đình, góp phần nâng cao nhận thức về xu hướng nông nghiệp sạch, bền vững.
Đây là một giải pháp mới đầy tiềm năng để cung cấp nguồn rau xanh chất lượng, sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn