Cô Lê Bích Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 6 ở một trường THCS ở Bắc Giang, cho biết, hồi đầu năm nay, khi nhận công tác chủ nhiệm, cô đặc biệt chú ý đến cậu học sinh tên Bình. Nhìn Bình sáng sủa, thông minh nhưng lạnh lùng, ít giao tiếp với mọi người.
Trong lớp, Bình hầu như không chơi với ai, thầy cô hỏi gì nói nấy, không bao giờ chủ động bắt chuyện với người khác. "Một lần, Bình mâu thuẫn với một bạn trong lớp. Khi hai bạn cãi nhau, bất ngờ Bình dơ chân đạp thẳng vào người bạn, khiến bạn ngã đập đầu vào ghế.
Các bạn trong lớp xúm vào can ngăn, khuyên Bình làm hòa, xin lỗi bạn một tiếng. Kết quả, Bình không những không xin lỗi bạn mà còn suýt đánh cả mấy bạn lên án hành vi bạo lực của Bình", cô Hà cho biết.
Sau đó, Bình bị nhà trường yêu cầu viết bản kiểm điểm và mời bố mẹ đến làm việc với Ban Giám hiệu cùng cô chủ nhiệm. Thay vì mời bố mẹ, Bình đã tự ý bỏ học, lêu lổng bên ngoài. Khi gia đình phát hiện ra sự việc, Bình bị ăn một trận đòn thừa sống thiếu chết của bố.
Bình trở lại lớp học với khuôn mặt tím bầm, sau khi bố mẹ đã giảng hòa với gia đình bạn bị Bình đánh và cam kết phối hợp chặt chẽ với nhà trường giáo dục con. Từ hôm ấy, Bình thường xuyên ngồi lầm lì trong lớp cả buổi học, không nói không rằng, cũng không ra ngoài vào giờ ra chơi.
Là cô giáo chủ nhiệm nên cô Hà lặng lẽ theo dõi mọi cử chỉ, hành động của Bình. Kết nối các sự việc lại với nhau, cô Hà nhận ra, đằng sau vẻ bất cần, lì lợm, thái độ sống thu mình của Bình có nhiều uẩn khúc. Mất gần 1 tháng tìm cách tiếp cận, cô Hà mới lấy được lòng tin của Bình.
Một mặt, cô Hà kéo Bình vào các hoạt động của lớp, giúp em sống mở lòng hơn với các bạn. Mặt khác, cô tạo ra những cơ hội chỉ có 2 cô trò để gợi chuyện, khiến Bình chia sẻ suy nghĩ của mình với cô.
Khi hai cô trò không còn khoảng cách, Bình đã kể cho cô nghe: "Từ lúc lớn lên, hầu như không có tuần nào con không bị bố mẹ cho ăn đòn hay đánh mắng. Hễ mỗi lần họ cãi nhau là lại kiếm cớ để mắng con. Bố con động một tí là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với mẹ và con.
Con nhiều lần chứng kiến cảnh bố đánh mẹ. Đến khi bố bỏ ra ngoài thì mẹ lại quay sang đay nghiến, chửi bố trước mặt con, như thể con là "người đóng thế" của bố. Lúc đầu, con sợ lắm mỗi khi bị bố đánh đòn nhưng bị đòn mãi thành quen. Cô có tin không, lâu lâu mà không bị bố đánh đòn, con còn chột dạ, không biết bố đang có vấn đề bất thường gì".
Và Bình thú nhận, vì bị bố đánh đòn nhiều nên trong lòng Bình luôn muốn thể hiện uy lực của mình bằng cách đánh người khác yếu thế hơn.
Theo nhận định của các chuyên gia tâm lý, bất kỳ hành động bạo lực nào đều tác động tiêu cực đến suy nghĩ và tâm hồn con trẻ. Chính điều này gieo rắc cách sống bạo lực vào tâm hồn của trẻ mà nhiều khi cha mẹ không để ý.
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, trong việc giáo dục con trẻ, cha mẹ cần xây dựng mối quan hệ tôn trọng, tin cậy, bình đẳng và biết lắng nghe con. Việc cha mẹ vun đắp cho con kỹ năng sống để khi bị bắt nạt biết dùng lời nói, hành động tự vệ hay không dùng đòn roi chính là cách để con tránh dùng bạo lực.
"Trẻ lớn lên thường có xu hướng bạo lực khi chúng từng là nạn nhân của sự bắt nạt hoặc thường xuyên chứng kiến hành vi bạo lực. Những bậc cha mẹ thích kiểm soát và gây hấn ở nhà có thể sẽ truyền cho con cái mình những hành vi này.
Và em Bình là một ví dụ. Nếu cha mẹ không muốn con phát triển méo mó về tâm hồn, lệch lạc về tính cách thì đừng dùng nắm đấm để giáo dục con", cô Hà cảnh báo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn