Hãy dạy con yêu bản thân và gia đình để con biết nghĩ cho người khác

16:55 | 17/10/2018;
Gia đình tôi có ý định cho con gái du học bậc THPT ở nước ngoài. Vì thế, tôi đã nhờ người quen là giảng viên đại học ở Mỹ gốc Việt giúp tôi thực hiện cuộc phỏng vấn giả tưởng, mô tả phỏng vấn cấp học bổng với con gái bằng tiếng Anh qua internet.
Thực sự, trước đó, tôi khá tự tin về khả năng của con bởi tôi đã đầu tư cho cháu học tiếng Anh từ rất sớm. Cháu nói tiếng Anh thành thạo như người bản xứ. Thêm nữa, tôi cũng rất có ý thức cho con học về thuyết trình, hùng biện, tranh biện, lập trình... Ngoài ra, từ khi con học lớp 8, con gái tôi cũng đã tham gia các hoạt động ngoại khóa, từ thiện, được cấp nhiều giấy chứng nhận đủ để “làm đẹp” bộ hồ sơ du học sau này.
 
Trước khi thực hiện phỏng vấn, người bạn đã viết email cho con gái tôi trao đổi về thời gian, các nội dung con gái cần chuẩn bị và hỏi con gái có muốn được anh trợ giúp gì không? Một tối, theo lịch hẹn, hai bác cháu đã có cuộc trò chuyện theo tôi là khá rôm rả qua internet. Sau đó, tôi thấy con cũng kể lại là nói được khá nhiều, bạn tôi cũng khen con thông minh, trình độ Anh ngữ tốt. Tôi lại càng tự tin, nghĩ rằng, cơ hội con được nhận học bổng của các trường THPT ở Mỹ sau này càng trong tầm tay.
 
Không ngờ, sáng hôm sau, khi con gái đã đi học, bạn tôi gọi về để trao đổi với tôi. Bạn nói, đúng là con gái tôi có nhiều ưu điểm, cho thấy tôi đã rất chú trọng giáo dục, định hướng con. Nhưng giả sử bạn là người có quyền cấp học bổng, bạn sẽ không chọn con gái tôi. Bạn giải thích: “Cậu mới chỉ chú ý giáo dục con kỹ năng lớn mà quên đi những bài học nho nhỏ”. Bạn tôi phân tích con gái tôi chưa có kỹ năng tối thiểu là phải hồi âm ngay sau khi nhận được email mà người khác gửi cho mình.
 
du-hoc-canada-tu-lop-11.jpg
Ảnh minh họa

 

“Có thể lúc đó, dù bận nhưng cháu vẫn cần hồi âm để cảm ơn người viết, cho thấy thư không bị thất lạc và hẹn sẽ viết một bức thư đầy đủ sau. Việc để một người khác phải chờ đợi, lo lắng khi thư gửi đi mà không có hồi đáp trở lại được cho là thiếu lịch sự”. Bạn tôi còn nói thêm: “Trong thư gửi mình, con cậu viết có khá nhiều lỗi chính tả, đặt dấu phẩy và dấu cách, thể thức của một bức thư cũng chưa đúng quy định. Với người nước ngoài, họ có thể thông cảm và vui vẻ chấp nhận nếu con viết còn sai ngữ pháp vì ngữ pháp phải được học mới biết được. Nhưng, việc viết sai chính tả rất không nên vì con hoàn toàn có thể kiểm tra một từ viết đúng hay không qua từ điển nếu còn thấy nghi ngờ.
 
Bạn thử nghĩ xem, khi nhận một lá thư có nhiều từ viết sai chính tả, giãn dòng, giãn chữ chưa đúng, cảm giác đầu tiên của người đọc là thấy thiếu đi sự tôn trọng mình. Dù lá thư có được thể hiện bằng lời lẽ tung hô ra sao thì người đọc cũng đã khó chịu rồi. Vì thế, bạn hãy nói con gái từ lần sau, khi viết ra bất cứ chữ nào hãy đọc đi đọc lại để chứng tỏ mình là người chuyên nghiệp, chỉn chu nhé”.
 
Điều thứ 3 bạn tôi góp ý là hôm đó, khi hai bác cháu trò chuyện, nhìn qua webcam, bạn tôi thấy góc học tập của con tôi chưa gọn gàng, thậm chí trên giường ngủ phía sau, chăn gối không được gấp. “Mình nghĩ, cháu tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa là tốt. Nhưng, trước khi nghĩ tới điều lớn, cháu cần tự biết chăm sóc bản thân, không gian riêng tư và ngôi nhà của mình đã. Nếu cháu không biết yêu bản thân và gia đình, làm sao cháu biết nghĩ cho người khác không phải ruột thịt của mình.
 
Cậu biết không, cháu chỉ xứng đáng được nhận học bổng khi những điểm tốt là bản chất của cháu chứ không phải chỉ thể hiện màu mè trong bộ hồ sơ”.
 
Những điều người bạn nói đã khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Quả thật, lâu nay, tôi chỉ nghĩ đến việc dạy con những điều lớn lao, ở tận đẩu đâu mà quên đi những bài học hàng ngày.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn