Mẹ tôi thường kể, những năm 60-70 của thế kỷ trước, khi miền Bắc còn rất ít các phương tiện cá nhân để di chuyển thì sự kiện người phụ nữ trẻ đi xe đạp ở địa phương thuộc đồng bằng Bắc bộ được rất nhiều người để tâm. Mẹ tôi, khi ấy phụ trách cửa hàng lắp, sửa xe đạp, nên bà khá rành các thiết bị máy móc để lắp đặt chiếc xe đạp hoàn chỉnh. Hàng ngày, bà tự tin đạp xe đi làm hoặc đi nhiều nơi khác để công tác. Có những ngày đạp xe cả trăm cây số.
Mỗi khi đi trên đường, những lời bà thường được nghe thấy là: "Ô, con gái đi xe đạp kìa!". Trong mắt của rất nhiều người dân thời đó, xe đạp chỉ dành cho đàn ông. Và người phụ nữ thường ngồi ngoan hiền, e lệ phía sau.
Thế nhưng ở góc độ khác, chính mắt mẹ tôi đã nhìn thấy, khi bà tiễn bố tôi dẫn quân "đi B vào Nam", đó là hình ảnh của rất nhiều người phụ nữ ngồi sau vô lăng của các xe tải để chở lương thực tới chiến trường. Trong cách nhìn của bà, 1 người phụ nữ được đánh giá rất mạnh mẽ thời điểm ấy, vẫn là sự ngạc nhiên và thán phục cao độ khi được chứng kiến những hình ảnh oai hùng. "Không biết các cô đã học lái xe từ khi nào, mà tới giờ hành quân là thuần thục lái xe tải. Hàng đoàn xe tải thời đó, mẹ đã nhìn thấy, hầu hết là các nữ tài xế", bà kể lại.
Vậy nhưng đến giờ, sau mấy chục năm đã qua, đất nước đã thống nhất và phát triển, mà tư duy ở đâu đó vẫn còn hiển hiện về việc phân biệt giới. Một nữ tài xế lái xe ở vòng xoay Hàng Xanh (TPHCM) cách đây 2 năm, chị ấy đã có nhiều sai lầm để dẫn tới việc gây tai nạn giao thông khiến có người tử vong và bị thương. Đáng chú ý là trong nhiều diễn đàn công khai, kể cả các ý kiến trên truyền thông, đều còn tồn tại các suy nghĩ: "Đổ xăng cho nữ giới là tội ác".
Nữ tài xế gây ra vụ tai nạn đó, tất nhiên phải chịu hình phạt của pháp luật. Chị ấy cũng đã bán nhiều tài sản để đền bù cho các nạn nhân. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, không ai cần bàn cãi về điều này. Tuy nhiên, mỗi ngày trên các nẻo đường đất nước, có biết bao vụ tai nạn giao thông xảy ra. Khi nam giới gây tai nạn giao thông thì mọi người đón nhận tin tức đó mang vẻ bình thường hơn, trong khi với nữ giới thì lại trở thành sự kiện đặc biệt! Chính tư duy như thế, ở thời hiện tại đã khoét sâu thêm việc phân biệt giới tính.
Trong thời bệnh dịch Covid-19, phải đối mặt với nhiều khó khăn cũng như thách thức, bất cứ ai cũng cần cố gắng gấp nhiều lần. Bệnh dịch đã dẫn tới nhiều hoàn cảnh éo le mà chưa khi nào người ta từng chạm tới, khi hàng ngàn người phải chấp nhận cách ly tập trung. Các cửa hàng phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp khó gượng dậy với các cú bồi của đợt dịch bệnh liên tiếp bùng phát. Con trẻ học hành online, còn phụ huynh thì làm việc từ xa. Với bối cảnh đa dạng trong không gian mở toàn thế giới, nếu không trao quyền cho phụ nữ thì cán cân phát triển của xã hội sẽ càng ngày càng lệch và bộc lộ ra các bất cập ngay khi hữu sự.
"Hãy tạo cơ hội cho phụ nữ nhảy xuống nước thì họ sẽ bơi tốt!", đó là ý của bà Tôn Nữ Thị Ninh trong 1 trao đổi với PV Báo PNVN dịp Tết Tân Sửu. Nhà ngoại giao kỳ cựu này cho biết: "Không nên giới hạn vị trí lãnh đạo của chị em chỉ ở 2 ngành là Y tế và Lao động-thương binh-xã hội, kiểu như "ốc đảo" dành cho nữ giới. Đặc biệt bên hành pháp, tôi thấy càng ngày càng ít "ghế" cho phụ nữ. Thật khó cho tôi, khi tôi trả lời cho truyền thông nước ngoài về vấn đề này".
Phải khẳng định rằng, ở đâu đó trên thế giới này vẫn mang tư duy "đổ xăng cho phụ nữ là tội ác" thì đâu có khác với việc người ta chỉ chỏ trên đường khi "phụ nữ đạp xe kìa" ở những năm 60-70 của thế kỷ trước! Chính vì vậy, một xã hội bình đẳng và văn minh cần phải xây dựng từ nền tảng nhận thức cho tới hành động, để giảm bớt và lấp đầy dần những định kiến giới.
Muốn được như vậy, thì hãy bớt các lời tán dương sáo rỗng, thay vào đó là hành động thiết thực hơn nữa từ các quyết sách thống nhất và đầy đủ, trong năm 2021 nhiều thách thức nhưng cũng đầy hy vọng!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn