PGS.TS Mai Văn Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy (PSD) cho biết, người nghiện ma túy, trong đó có một bộ phận không nhỏ là thanh thiếu niên, và có những em còn rất nhỏ tuổi, tất cả đều đáng tiếc và thương tâm.
Điều rất đáng lo ngại là hiện nay ở trong nước xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp mới, đa dạng, chủ yếu là các loại ma túy kích thích thần kinh, gây ảo giác, hoang tưởng, ảnh hưởng rất lớn đến hệ thần kinh. Quá trình điều trị để phục hồi là rất khó khăn, phức tạp, mất nhiều thời gian. Có những em sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy thì việc phục hồi càng khó khăn hơn.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ở Việt Nam hiện có khoảng 1,1 triệu người hút thuốc lá điện tử. Đáng quan tâm hơn, trong thuốc lá điện tử chứa nicotine tinh chế (nicotine là chất gây nghiện, ảnh hưởng đến não và tim mạch). Điều này lý giải vì sao, có những người trẻ chuyển từ hút thuốc lá điện tử sang dùng các chất có liên quan đến ma túy để tăng cảm giác... Thời gian qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận một số trường hợp ngộ độc chất kích thích, trong đó có cần sa, ma túy tổng hợp được trộn trong thuốc lá điện tử.
Vấn đề cần quan tâm khác, chất gây nghiện có trong các loại đồ ăn, nước uống bắt mắt, được bán ở những địa điểm thường tập trung nhiều người trẻ, trong đó có khu vực xung quanh một số cổng trường học với những cái tên mỹ miều, như: “Nước vui”, “bùa lưỡi”, “khô gà”... Giá các loại “hàng hóa” này khá đa dạng, thường khá rẻ, để người trẻ có thể mua sử dụng. Vì tò mò, vì thấy lạ, giới trẻ dùng thử các loại “chất lạ” lâu ngày, rồi lệ thuộc vào ma túy từ lúc nào, đôi khi chính bản thân họ cũng không hay biết.
PGS.TS Mai Văn Hưng cho rằng, hiện nay internet rất phát triển, các em mới đi học đã có thể sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, máy tính, tiếp cận những thông tin hay và cả những thông tin độc hại. Nhiều em nghiện game và quán game cũng như nhà hàng, quán bar, vũ trường, karaoke… phát triển mạnh, là nơi các em hay tụ tập trong các cuộc vui, sinh nhật, nhưng khó kiểm soát, nhiều nơi thành các tụ điểm sử dụng ma túy tập thể. Nhiều em trở thành người nghiện ma túy bắt đầu từ những lần dùng thử tại những nơi này.
"Hầu hết học sinh nghiện ma túy được chúng tôi tư vấn, điều trị, khi tỉnh ngộ đều rất ân hận việc sử dụng và nghiện ma túy. Nguyên nhân do thiếu hiểu biết và nhận thức còn sai lạc về ma túy cộng với lối sống thiếu lành mạnh, các em đã bị sa vào ma túy và cạm bẫy của bọn người xấu lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc với những thủ đoạn tinh vi, quỷ quyệt, có tổ chức. Qua nhiều cuộc khảo sát, chúng tôi nhận thấy, trong các trường học phần lớn các em học sinh thiếu kỹ năng phòng ngừa ma túy, không biết cách ứng xử an toàn trong các hoàn cảnh, tình huống có nguy cơ cao liên quan đến ma túy; thậm chí không có khả năng nhận diện thế nào là ma túy và những sản phẩm liên quan đến ma túy", ông Hưng cho hay.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy cho rằng, để hình thành miễn dịch cộng đồng trong phòng ngừa Covid-19 nhân loại cần khoảng 70% số người có miễn dịch với virus này. Vậy tại sao không hình thành một thứ "vaccine" cho ma túy, nếu 70% học sinh, sinh viên được trang bị các kiến thức phòng ngừa ma túy cũng sẽ có hiệu ứng tốt như vaccine phòng ngừa Covid-19.
PGS.TS Mai Văn Hưng cho hay, từ thực tiễn hoạt động cũng như nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, từ nhiều năm nay Viện PSD hướng công tác nghiên cứu và truyền thông tập trung vào việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, coi đó là chìa khóa cho việc góp phần giảm người nghiện ma túy, bảo vệ giới trẻ trước hiểm họa ma túy, với mục tiêu hình thành "vaccine" phòng ma túy cho học sinh sinh viên.
Học sinh THCS cần có kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy, cách vượt qua những tình huống hiểm nghèo về ma túy được trình bày dễ hiểu, lý thú, phù hợp với lứa tuổi. Trong khi đó học sinh THPT, tuổi đang trưởng thành và ham hiểu biết, nhưng cũng có nhiều nguy cơ bị ma túy đe dọa. Ngoài các kiến thức, kỹ năng chung về phòng ngừa ma túy, các em còn được hướng dẫn rèn luyện kỹ năng sống và kỹ năng phòng chống ma túy có hiệu quả như kỹ năng sống lành mạnh và có trách nhiệm, kỹ năng tự ý thức bản thân trong phòng chống ma túy, kỹ năng ứng phó với ma túy, kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng tìm kiếm sự trợ giúp trong phòng chống ma túy.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn