Hệ lụy nguy hiểm khi dùng bông ngoáy tai

21:05 | 04/11/2016;
Nhiều người có thói quen tắm xong dùng tăm bông vệ sinh tai, không biết rằng bên cạnh cảm giác dễ chịu khi ngoáy tai lại là những nguy hiểm rình rập.
bong-ngoay-tai-2.jpg

Nhiều chuyên gia y tế đã khuyến cáo người dân không nên thường xuyên dùng bông ngoáy tai, nhưng dường như mọi người vẫn chưa thể thay đổi thói quen này. Giáo sư Martin Burton đến từ trường đại học Oxford cảnh báo rằng, việc sử dụng bông ngoáy tai nhiều có thể gây hại cho vùng da nhạy cảm bên trong ống tai, hơn nữa mỗi lần tăm bông ma sát qua lại sẽ dễ đẩy ráy tai vào sâu bên trong hơn, dẫn tới tích tụ quá nhiều ráy tai và chặn ống tai. Điều này không chỉ gây ù tai, ảnh hưởng tới thính lực, mà còn có thể mang nhiều vi khuẩn từ ngoài vào trong ống tai, gây nhiễm trùng và đau tai. Nếu như bông ngoáy tai được đẩy sâu vào bên trong còn có thể gây tổn hại tới màng nhĩ.

bong-ngoay-tai-1.jpg

Đặc biệt, hành động dùng tăm bông giúp trẻ nhỏ vệ sinh tai của bố mẹ không được bác sĩ nhi khoa tán thành. Do ống tai của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, vẫn còn nhỏ hẹp, nên cần chọn loại tăm bông đầu nhỏ chuyên dùng cho trẻ em. Nếu ngoáy tai không cẩn thận, một khi đầu bông ngoáy vào sâu trong tai không những không thể lấy ra ráy tai, mà ngược lại còn đùn chất bẩn vào sâu hơn, tích tụ trong ống tai, gây khó chịu và viêm nhiễm cho trẻ nhỏ.

Khi lấy ráy tai, cho dù chúng ta cảm thấy yên tâm vì nhìn thấy ‘dấu vết’ của chất bẩn trong tai bám trên bông, nhưng trên thực tế là có nhiều hơn các chất bẩn bị đẩy vào sâu bên trong. Bên cạnh đó, sử dụng bông tai kém chất lượng có thể khiến các sợi bông trên bề mặt tăm bông “mắc kẹt” lại trong tai của bạn, tạo cơ hội cho vi khuẩn hoành hành gây viêm nhiễm.

bong-ngoay-tai-3.jpg

Ráy tai vốn là một chất dạng sáp do các tuyến trong tai tiết ra tự nhiên, các thành phần trong nó có tác dụng bảo vệ tai, tạo ra môi trường kháng khuẩn, ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm, cũng ngăn bụi và côn trùng xâm nhập vào màng nhĩ, đồng thời có tác dụng giữ ẩm, tránh cho tai quá bị khô.

Do ráy tai có tác dụng giữ ẩm, nên sau khi ngoáy tai bằng tăm bông tai sẽ trở nên khô và ngứa. Nhiều người nhầm tưởng rằng tình trạng khô, ngứa ở tai cần dùng bông ngoáy tai để giải quyết, nhưng trên thực tế chỉ làm cho tai thêm khó chịu mà thôi.

Thực ra tai có chức năng tự làm sạch, ống tai ngoài sẽ chuyển ráy tai ra bên ngoài, nhiều ráy tai sẽ tự động bong ra từng mảng rồi bị đẩy ra ngoài, đến khi chúng ta tắm chỉ cần lau bên ngoài tai các chất bẩn sẽ tự nhiên đi mất. Chúng ta không cần can thiệp nhiều vào quá trình tự làm sạch này, cùng lắm là lúc tắm dùng nước ấm và xà phòng lau tai nhẹ nhàng, sau đó lấy khăn bông khô thấm hút nước là đủ.

Trong trường hợp tai tích tụ quá nhiều chất bẩn ảnh hưởng đến thính giác và cần phải được làm sạch, hãy đến gặp bác sĩ chứ đừng dùng bông ngoáy tai để xử lý.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn