2 năm Covid là thời gian đánh dấu sự "lên ngôi" rực rỡ của các ứng dụng hẹn hò online trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo kết quả được công bố bởi hãng nghiên cứu thị trường Decision Lab tháng 2/2022, có 65% trong số hơn 1.000 người Việt tham gia khảo sát đang sử dụng ít nhất một ứng dụng hẹn hò.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, mọi người có nhu cầu và điều kiện gặp gỡ trực tiếp nhiều hơn, mạnh mẽ hơn trước. Điều này đã góp phần khiến thị trường hẹn hò trực tuyến của Việt Nam phần nào hạ nhiệt.
Nói về điều này, Vũ Nguyệt Ánh – cố vấn chuyên môn cho chương trình "Đã đến lúc hẹn hò" của kênh truyền hình VTV3, tác giả cuốn sách "Hẹn hò kiểu... KÉN" – nhận định: "Dù cho chúng ta đang ở giữa thời đại 4.0 đi chăng nữa, thì tôi tin rằng thời điểm mà Robot, AI thực sự thay thế được con người trong những chuyện hẹn hò - tình yêu chắc cũng phải chờ vài chục đến cả trăm năm nữa, hoặc thậm chí cũng có thể là không bao giờ".
Chính vì thế, nhân dịp Ngày Quốc tế độc thân 11/11 năm nay, Vũ Nguyệt Ánh cùng các cộng sự của mình đã ra mắt MatchMaker Team (đội ngũ mai mối) chuyên nghiệp. Thay vì phát triển một công cụ online với những thuật toán tích hợp AI, ứng dụng công nghệ tối tân theo đúng tinh thần của thời đại 4.0, thì cô lại đang tập trung vào phát triển một đội ngũ "chạy bằng cơm" để kết nối "offline – dating" (hẹn hò trực tiếp) với tuyên ngôn rõ ràng: "Hẹn hò - Tình yêu là câu chuyện giữa người với người, và chỉ có con người mới thực sự hiểu được và giúp được".
Vũ Nguyệt Ánh chia sẻ, trong lĩnh vực hẹn hò, cô chỉ luôn coi công nghệ là công cụ hỗ trợ - giúp mọi người nhanh hơn, tiện hơn, tiết kiệm thời gian hơn khi tìm kiếm và tiếp cận nhau, còn lại đều phải là tiếp xúc, giao tiếp, tương tác trong thực tế thì mới xây dựng mối quan hệ đúng nghĩa, chất lượng và bền vững được. "Nói chung là chuyện kết nối cảm xúc giữa người và người thì không nên dùng các loại máy móc, công cụ, thuật toán để mà "lập trình", xử lý hay điều khiển", cô khẳng định.
Nói thêm về MatchMaker Team, Vũ Nguyệt Ánh cho rằng, đây là những người làm "nghề mai mối" phiên bản thế kỷ 21. "Phải nói rõ là "phiên bản thế kỷ 21" vì thực ra những ông mai - bà mối "cây nhà lá vườn" kiểu người quen, hàng xóm, họ hàng… đã không hề xa lạ trong cuộc sống của đời ông bà, bố mẹ chúng ta từ thế kỷ trước, nên không phải là chúng tôi sáng tạo ra mô hình mới, chỉ là nâng cấp mô hình đã có trở nên chuyên nghiệp hơn thôi", cô nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn