Kết thúc kỳ nghỉ Tết, hôm nay (30/1), thị trường mua bán đã hoạt động sôi nổi. Tại các chợ truyền thống ở Hà Nội, 95% tiểu thương đã dọn hàng, buôn bán trở lại.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PNVN, giá cả nhiều loại thực phẩm vẫn khá đắt đỏ. Đặc biệt, mặt hàng tăng giá nhiều nhất là rau xanh. Dù đã bắt đầu có nắng và ấm hơn nhưng do ảnh hưởng của thời tiết rét và mưa lớn trong ngày đầu năm, rau củ tăng giá từ 2-3 lần so với trước Tết.
Cụ thể su hào giá: 15.000 đồng/củ, bắp cải: 30.000 đồng/kg, rau cần giá 50.000 đồng - 80.000 đồng/kg. Hoa lơ xanh giá 25.000 - 30.000 đồng/cây. Giá đỗ tăng giá gấp hơn 3 lần, đang ở mức 100.000 đồng/kg. Cải chíp 15.000 đồng/mớ; cải thảo: 40.000 đồng/kg. Cà chua tăng giá gấp 3 lên 60.000 đồng/kg. Rau muống giá 15.000 - 20.000 đồng/mớ. Rau xà lách 70.000 đồng - 100.000 đồng/kg…
Các loại thực phẩm tươi sống tại Hà Nội cũng tăng giá nhẹ. Giá thịt lợn ở mức 140.000 - 180.000 đồng/kg. Thịt bò dao động từ 280.000 - 500.000 đồng/kg. Gà ta loại chưa qua giết mổ từ 120.000 - 150.000 đồng/kg. Giá tôm sú: 300.000 - 600.000 đồng/kg. Các loại cá nước ngọt như rô phi, diêu hồng, trôi, trắm có giá từ 80.000 đồng - 200.000 đồng/kg. Mức giá này tăng từ 30.000 đồng - 100.000 đồng, tùy loại, so với thời điểm trước Tết.
Không chỉ thực phẩm tăng giá, dù đã hết kỳ nghỉ lễ nhưng nhiều hàng quán tại Hà Nội vẫn áp dụng giá phụ thu ngày Tết. Hàng quán thu hút đông thực khách nhất trong dịp đầu năm là quán bún riêu, bún ốc, bún cá, phở… Giá một bát bún, bát phở đang được các hàng, quán tăng từ 5.000 - 20.000 đồng so với ngày thường.
Ví dụ: bún riêu, bún ốc tại các quán dọc phủ Tây Hồ ở mức 60.000 đồng/bát. Bún, phở tại các cửa hàng bình dân ở mức 30.000 - 45.000 đồng/bát. Tại hệ thống các nhà hàng lớn, thực đơn được tính theo menu Tết, với mức giá tăng khoảng 20% - 50%. Quán café cũng áp dụng mức phụ thu từ 10.000 - 50.000 đồng/khách.
Theo quy luật thị trường hàng năm, sau rằm tháng Giêng, giá cả hàng hóa sẽ được bình ổn trở lại.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn