Không một bóng người
Vừa vào bãi giữ xe của Viện Pasteur TPHCM cổng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa lúc 9h sáng ngày 14/6/2022, bác nhân viên nhìn tôi định nói câu gì đó, xong lại thôi. Cả bãi giữ xe lèo tèo vài chiếc. Trước đây, tìm được chỗ để xe ngay gần phía ngoài để lấy cho dễ, không dễ dàng gì. Người ra người vô liên tục.
Vào tới sảnh đăng ký khám bệnh, cả một phòng chờ mênh mông, lặng ngắt. Không có bất cứ một ai. Tôi xin vào khám tư vấn chích ngừa, người hướng dẫn rất nhiệt tình chỉ dẫn, vì… đang thất nghiệp. Anh nhân viên ngồi lọt thỏm trong không gian rộng lớn, không có tiếng động. Phía sau anh, bảng điện tử từng hiện lên các loại vaccine, nay đen thui. Nếu ai đã từng tới Viện Pasteur trước đây, thì chắc hẳn sẽ có một tâm trạng và cảm xúc kỳ lạ, giống như tôi bây giờ. Những tiếng trẻ con khóc la vì sợ tiêm đau, tiếng dỗ dành của phụ huynh, tiếng hỏi thăm của bệnh nhân, tiếng gọi trên loa kêu bệnh nhân tới lượt khám, đóng tiền… nay đã hoàn toàn biến mất. Một cảnh giống như kiểu "vườn không nhà trống" hiển hiện trước mắt khiến người ta khó có thể nào quen được.
14h chiều ngày 15/6, tôi quay trở lại nơi này. Vẫn không khác gì hơn khung cảnh sáng hôm trước. Ở đây, tôi gặp một phụ huynh dắt con đi chích ngừa. Anh nói con gái anh 7 tuổi, cháu cần chích vaccine phòng cảm cúm và viêm phổi phế cầu, tuy nhiên bác sĩ chỉ dẫn cho anh qua các cơ sở y tế tư nhân khác để chích. "Nếu vẫn muốn chích tại Pasteur, bác sĩ cho biết cần phải chờ vài ba tuần nữa, mà cũng không thể chính xác tới lúc nào mới có vaccine", vị phụ huynh này cho biết. Anh cũng ngơ ngác hỏi vì sao ở Viện lại vắng như thế này, "trong khi trước đây thì đông nghẹt người".
Một bác sĩ tại Viện Pasteur cho biết, tình trạng hết sạch sinh phẩm và vaccine tại Viện đã diễn ra khoảng hơn nửa tháng nay. Trước đó, khoảng 6-7 tháng, các vaccine phòng cảm cúm và nhiều loại khác đã không được nhập về và cứ thể hiện "Hết hàng" dần dần trên bảng thông báo. Riêng các sinh phẩm xét nghiệm thì hết khoảng 3 tháng nay. Các vaccine thông thường như ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan A, B, thủy đậu, sởi, quai bị, Rubella, viêm não Nhật Bản B, viêm não mô cầu, viêm phổi phế cầu, cảm cúm… hiện không còn bất cứ loại nào. Sinh phẩm xét nghiệm HIV, ký sinh trùng, viêm gan B, C, chức năng thận, gan, xét nghiệm tiểu đường, mỡ máu… đã "sạch sành sanh".
"Chưa từng thấy!"
Nói về tình trạng Viện Pasteur TPHCM hết toàn bộ vaccine và sinh phẩm xét nghiệm, các bác sĩ ngồi phòng khám tại đây đánh giá là "chưa từng thấy". "Chúng tôi không dám hẹn bệnh nhân quay lại, vì có biết khi nào có vaccine hoặc sinh phẩm đâu. Đành phải tư vấn cho bệnh nhân đi các bệnh viện, phòng khám, cơ sở chích ngừa tư nhân khác. Tuy vậy, hằng ngày các bác sĩ vẫn ngồi phòng khám trong giờ hành chính để tư vấn bệnh cho bệnh nhân", các bác sĩ phòng khám tại Viện cho biết.
Vì hết vaccine và sinh phẩm, nhân viên y tế tại đây bị bắt buộc… ngồi chơi. Và tất nhiên, tiền lương, tiền thu nhập của họ bị giảm do không có dịch vụ nào hoạt động.
Cũng như nhiều thiết bị, vật tư y tế trong các cơ sở y tế công khác, Viện Pasteur cũng đang vướng cơ chế ở khâu đấu thầu. Việc chậm trễ đấu thầu này đến từ rất nhiều nguyên nhân.
Một quan chức trong giới y tế công lập cho biết, nếu bệnh viện làm đúng quy trình mua vật tư y tế, thì thời gian kéo khá dài và tất nhiên, người có trách nhiệm để tự bảo vệ bản thân, không ai dám "vượt rào" trong hoạt động đấu thầu. Chưa kể tới việc một số các doanh nghiệp cung ứng trang thiết bị y tế bị gián đoạn nguồn cung sau dịch bệnh Covid-19. Việc nhập khẩu cũng không dễ dàng ở thời điểm sau dịch vì một số quốc gia cũng hạn chế xuất khẩu thuốc men và các thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Hơn nữa, theo quy định tại Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC, các đơn vị xây dựng giá kế hoạch phải tham khảo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các đơn vị do Bộ Y tế cập nhật. Các bệnh viện sẽ chọn giá thấp nhất. Nhưng trên thực tế, hiện hầu hết các mặt hàng liên quan trong ngành y đã tăng giá, nên các cơ sở y tế "bó tay" không thể mua được.
"Tất cả các lý do này cộng dồn lại cùng thời điểm, khiến hoạt động đấu thầu thiết bị, vật tư, vaccine, sinh phẩm trong ngành y bị chậm lại. Người dân đang sử dụng bảo hiểm y tế là đối tượng thiệt thòi hơn cả. Họ phải tự mua thuốc, thiết bị y tế bên ngoài, hoặc ở trong tình thế cấp thiết, phải ra các cơ sở y tế tư nhân để phẫu thuật, chữa trị, ảnh hưởng mạnh mẽ về kinh tế của người bệnh", người này phân tích.
Hiện, Bộ Y tế cho biết đang rà soát để lấy thêm ý kiến từ các bệnh viện về những khó khăn này để có hướng giải quyết sớm, hạn chế sự thiệt hại của các bệnh nhân. Trung tâm đấu thầu mua sắm quốc gia thì "đang trong quá trình đàm phán". Còn với cơ chế đấu thầu tập trung tại địa phương hoặc tại bệnh viện, thì các nơi đang ở trong tình trạng "không dám".
"Với yêu cầu giá đấu thầu năm sau phải rẻ hơn năm trước, hoặc khi mua thuốc phải dùng hết tới 80% loại đã mua, thì đó là những bất cập còn tồn tại…", một nhà quản lý y tế công cho biết.
Ở ngay cổng Viện Pasteur, trước khi ra về, tôi gặp một bệnh nhân đang hốt hoảng chạy tới để xin tiêm ngừa do bị chó cắn. Tuy nhiên, vì đã không còn huyết thanh ngừa chó dại, nên bệnh nhân rất lo lắng, vội vàng chạy tới một cơ sở y tế tư nhân ở quận khác sau khi nghe bác sĩ chỉ dẫn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn