Hi hữu: Kim tiêm 2cm nằm trong đùi trẻ sơ sinh gần 1 tháng

13:02 | 20/07/2018;
Đoạn kim tiêm đã khiến trẻ bị sưng đùi và sốt dai dẳng suốt 19 ngày không rõ nguyên nhân cho đến khi bé được đưa đi chụp X-quang.
Được biết, đứa trẻ được sinh ra ngày 1/6 tại Trung tâm y tế công cộng Neel Clinic ở thành phố Mumbai, Ấn Độ. Theo anh Sudhakar Pashte (32 tuổi, ở quận Raigad, bang Maharashtra, Ấn Độ), cha của đứa trẻ, sau khi được tiêm chủng sau sinh, con trai anh bắt đầu bị sốt cao và sưng ở đùi phải. Vợ chồng anh Pashte đã đưa con trai đến một bác sĩ nhi khoa tư nhân. Tại đây, bé được chẩn đoán viêm tủy xương - một kiểu nhiễm trùng xương - ở khớp hông phải. “Ông ấy yêu cầu chúng tôi đưa bé nhập Bệnh viện Nhi Bai Jerbai Wadia”, anh Pashte nói.
 
Khi các bác sĩ tại Bệnh viện Wadia bắt đầu điều trị viêm tủy xương, họ đã phát hiện một mẩu kim tiêm bị gãy ở hông trái của bé bằng tia X. Ban đầu, nó bị nghi ngờ là do chụp lỗi nhưng sau nhiều lần chụp X quang và chụp CT, các bác sĩ xác nhận, đó chính xác là một vật thể lạ.
Bác sĩ Pradnya Bendre, bác sĩ phẫu thuật nhi khoa tại Bệnh viện Wadia, cho biết: “Khi chúng tôi hỏi cha mẹ bé, họ cho biết đã cho bé tiêm vắc-xin ở thành phố Panvel”.
 
hy-huu-kim-tiem-dai-2cm-nam-trong-dui-tre-so-sinh-suot-1-thang.jpg
Kim tiêm 2cm nằm trong đùi trẻ sơ sinh gần 1 tháng sau khi tiêm phòng. Ảnh minh họa

 

Ngày 1/7, bé trai đã phải trải qua một ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ để lại bỏ mẩu kim tiêm trên. “Rất khó để tìm được vị trí chính xác của mẩu kim tiêm, do đó chúng tôi đã phải chụp X quang nhiều lần. Phải mất 2 giờ mới có thể loại bỏ mẩu kim. Mẩu kim dài 2cm được tìm thấy trong viên nang khớp hông trái”, bác sĩ Bendre chia sẻ.

Các bác sĩ cũng cho hay rất may là kim không gây hại cho bất kỳ cơ quan quan trọng nào của bé trai. Tuy nhiên, bé vẫn phải nhập viện vì nhiễm trùng nhẹ.

Mẹ bé, chị Aastha nói: “Trong một tháng qua, chúng tôi đã rất lo lắng cho con. Đây là con đầu lòng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ kiện bệnh viện vì sơ suất này”.

Khi được hỏi về vấn đề trên, bác sĩ P B Neel, người quản lý các thủ tục tiêm phòng tại Trung tâm y tế Neel Clinic, cho biết, ông chưa từng gặp bất kỳ trường hợp nào như vậy. “Điều này trước đây chưa bao giờ xảy ra. Chúng tôi luôn kiểm tra từng bệnh nhân khi tiêm chủng ngừa. Kim tiêm và thuốc tiêm cũng được thử nghiệm trước khi tiêm”, ông Neel thông tin.

Bác sĩ nhi khoa Bhupendra Awasthi, đến từ Bệnh viện mẹ và trẻ Surya, cũng bày tỏ rất hiếm khi gặp trường hợp kim tiêm thoát ra khỏi ống tiêm và ở lại bên trong cơ thể sau khi tiêm vắc-xin. “Có thể kim tiêm không được cố định vào ống tiêm đúng cách”, bác sĩ Awasthi nói.

Tiến sĩ Paras Kothari, bác sĩ phẫu thuật nhi khoa tại Bệnh viện Sion, cho biết thêm nguyên nhân có thể do chất lượng kim kém dẫn đến kim tiêm bị gãy. “Có khả năng là nếu trẻ di chuyển trong khi đang tiêm chủng, kim sẽ bị gãi và di chuyển vào bên trong cơ thể bé nếu không được giám sát chặt chẽ. Chỉ có y tá được đào tạo bài bản mới được tiêm phòng cho trẻ em”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn