Hiếp dâm, bạo lực, buôn người “rình rập” phụ nữ tại trại tị nạn Calais
20:56 | 14/11/2017;
Khu trại tị nạn Calais, miền bắc nước Pháp, chỉ có khoảng 20 nữ, hầu hết đều dưới 30 tuổi, thậm chí một số chỉ mới 16 tuổi. Họ vô tình trở thành nhóm người thiểu số dễ bị tổn thương khi xung quanh họ là hơn 500 người tị nạn nam giới.
Ban ngày, có thể họ không sợ gì, nhưng ban đêm thì khác vì họ phải ngủ cùng trong khu với hàng trăm người tị nạn nam giới và phải đối mặt với cả những nguy hiểm từ bọn buôn người. Sau một cuộc hành trình 7 tháng với nhiều trải nghiệm xương máu, chị Rishal, 28 tuổi, đến từ quốc gia Đông Phi Eritrea, đã trở nên cứng rắn hơn. Khi được hỏi về tình hình hiện tại, chị khẳng định có những điều còn “tồi tệ hơn” nhưng chị không phủ nhận những mối nguy mà chị em phụ nữ đang phải đối mặt tại khu Calais hoang dã này, nơi chị đã lưu lại 3 tháng nay.
Nhớ lại chuyện bản thân từng bị hãm hiếp bởi một tên buôn người Libya mà chị đã không may gặp phải trong cuộc hành trình tới châu Âu, sau khi trốn chạy khỏi cuộc chính biến tại quê nhà, nhìn chằm chằm vào vết sẹo trên tay, chị Rishal kể: “Hắn đâm tôi bằng một vật rất sắc rồi cưỡng hiếp tôi nhiều lần. Hắn còn nhốt tôi trong nhà của hắn suốt 5 tháng”. Ngồi cạnh Rishal là Nesra, 17 tuổi, cũng đến từ Eritrea. Từ dưới lớp mũ áo trùm kín là khuôn mặt trẻ trung, xinh đẹp với đôi mắt hướng về các bụi cây trong rừng, nơi những người phụ nữ tị nạn ngủ mỗi đêm, Nesra chia sẻ bằng tiếng Anh khá lưu loát: “Phụ nữ ở đây rất khó khăn. Xung quanh chúng tôi có rất nhiều đàn ông đến từ Afghanistan, Iran, Erirtrea. Hiếp dâm thường xuyên xảy ra”.
Ngoài nguy cơ bị bóc lột tình dục, phụ nữ tại khu tị nạn còn bị cảnh sát đe dọa nghiêm trọng. Một báo cáo do chính phủ Pháp đưa ra gần đây cho thấy tại khu vực này xuất hiện các cáo buộc lạm dụng đối với người tị nạn và những người tị nạn nữ thường không được cứu giúp. Cùng ngồi với những cô gái trẻ, chị Mercy, 28 tuổi, đã đến Calais được 1 tháng sau khi trốn khỏi Eritrea, ôm cánh tay băng bó của mình và nói: “Chuyện (Chuyện chị bị thương ở tay) xảy ra vào tuần trước. Trong lúc chạy trốn cảnh sát sau khi họ tìm thấy chúng tôi trong một chiếc xe tải, tôi đã bị ngã. Cảnh sát đã bỏ mặc tôi ở đó và tôi được bạn bè đưa đến bệnh viện”.
Ngồi gần đó, chị Rishal chỉ vào cái túi dưới chân mình và giải thích, chị giữ nó mọi lúc mọi nơi bởi vì đó là phòng ngủ của chị. “Đôi khi cảnh sát gỡ và phá lều của chúng tôi. Vào những đêm đó, chúng tôi phải ngủ dưới cái lạnh. Sau đó, chúng tôi lại phải cố gắng tìm được một cái mới”, chị chua xót. Một tổ chức từ thiện Pháp tên Secours Catholique đã có những hoạt động để giúp đỡ người tị nạn nơi đây, đặc biệt là chị em phụ nữ. Trong đó đáng chú ý nhất là hoạt động “Ngày phụ nữ”, được tổ chức hàng tuần kể từ khi đóng cửa khu trại di cư Jungle. Hoạt động này đem đến cho phụ nữ tại trại tị nạn Calais cơ hội thoát khỏi tình trạng bấp bênh mà họ đang sống. Các cô gái sẽ được ấm áp của một tòa nhà, ăn thức ăn nóng, tắm vòi sen và gội đầu, làm tóc. Một số chị em còn make up. Họ bĩu môi và nở nụ cười khi được nhìn chính mình trong gương bởi lẽ mỗi tuần họ cũng chỉ được 1 lần nhìn thấy mình như vậy. Mariam Guerey, người điều hành “Ngày phụ nữ”, cho biết: “Họ đến đây để làm đẹp nhưng trước khi họ rời đi, họ sẽ lại phải trùm khăn kín”.
Từng là thợ làm tóc ở Eritrea, chị Rishal thường dành phần lớn thời gian của “Ngày phụ nữ” để tạo kiểu tóc cho các cô gái trẻ. Khi được hỏi liệu chị có hối tiếc khi rời khỏi đất nước của mình để sống ở vùng đất hoang dã này, chị bất ngờ trả lời: “Tôi không thích ở đây nhưng ở đây, tôi có tự do. Tôi an toàn và hạnh phúc hơn ở Eritrea. Tôi sẽ tiếp tục tìm cách đến gặp anh tôi. Đó là kế hoạch A. Còn kế hoạch B, nếu điều đó không xảy ra, tôi sẽ cố gắng xin tị nạn ở Pháp”. Nhẹ nhàng túm gọn tóc cho một cô gái trẻ, chị thở dài: “Tôi thì ổn, nhưng nhiều cô gái còn quá trẻ quá. Họ không nên ở đây. Đối với tôi, tôi có thể tự bảo vệ mình nhưng họ thì không thể. Ở đây không có trường học. Họ luôn phải đối mặt với nguy hiểm và cần được bảo vệ”.