Tại phiên thảo luận ở hội trường sáng nay (5/11) về phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, cho rằng, với 11 quốc gia thành viên, CPTPP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do thuộc hàng lớn nhất thế giới, với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% toàn cầu và gần 500 triệu dân.
Đến nay đã có 6/11 nước phê chuẩn và hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2018.
Theo ước tính của các chuyên gia, lợi ích mà các thành viên CPTPP nhận được từ tự do hóa thương mại sẽ vào khoảng 0,3% tổng GDP của các thành viên, tương ứng với 37,3 tỷ đô la trong trung hạn. Tăng phúc lợi toàn cầu lên khoảng 21 tỷ đô la.
Ngược lại, với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ phải đối diện với nhiều thách thức cần nhìn nhận và phân tích rõ để tận dụng tối đa những cơ hội của CPTPP đem lại.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài sẽ diễn ra quyết liệt. Điều này sẽ gây lên không ít áp lực cho hàng hóa Việt Nam trong việc cạnh tranh với các quốc gia khác, ngay tại thị trường trong nước. Hơn nữa, khả năng thích nghi của các doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém nên nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp ngay trên thị trường nội địa cũng vì thế mà tăng.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn ĐBQH Hà Nội, nhìn thẳng vào thực tế sức cạnh tranh của các mặt hàng của Việt Nam so với các nước trong khối này. Đại biểu này nêu so sánh “10 mặt hàng chính thì Việt Nam xếp vào nhóm cuối cùng, thấp nhất”. Mặt hàng nước ta được đánh giá là có lợi thế lớn nhất là dệt may, giày da, đồ gỗ, thì cũng chỉ hạng thứ ba.
Ngược lại, theo đại biểu Cường, mặt hàng thịt các loại xếp rất thấp. Mặt hàng kém cạnh tranh đứng gần như đội sổ, như mỹ phẩm thứ 11; văn phòng phẩm thứ 9; phim ảnh thứ 9; điện, điện tử, vi tính đứng hàng thứ 7 – “tức là sức cạnh tranh rất kém” ông Cường nhìn nhận.
Theo đại biểu Cường, trong thỏa thuận của Hiệp định CPTPP có một điều kiện quy tắc xuất xứ hàng hóa có tính hàm lượng giá trị khu vực.
Vì vậy, một vấn đề đặt ra hết sức cấp bách là phải có lộ trình nhanh chóng, sớm chuyển đổi các nguồn nguyên liệu đang nhập từ ngoài CPTPP, để chuyển thành sản xuất nguyên liệu ngay trong nước hoặc nhập của các quốc gia trong khối này. Khi đó hàng hóa Việt Nam mới đảm bảo đủ điều kiện về quy tắc xuất xứ.
Đồng thời đây cũng là cơ hội rất tốt để thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất những yếu tố nguyên liệu, tạo ra một chuỗi giá trị khép kín cho sản xuất trong nước, giảm gia công.
Còn đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH Thái Bình, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đánh giá: Phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ tạo cơ hội mở rộng thương mại, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, có thêm việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân.
Nếu được phê chuẩn, đại biểu này cũng đề nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ xây dựng và triển khai Chương trình hành động bảo đảm thực thi Hiệp định có hiệu quả.
Trong đó cần nhấn mạnh việc hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn...
“Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi Hiệp định này sẽ là một thất bại”, ông Lộc nói.