'Hiệp sĩ đường phố' - những người hy sinh thầm lặng

17:38 | 15/05/2018;
Cái chết của 2 “hiệp sĩ đường phố” khi truy bắt tội phạm ở TPHCM mới đây có thể được nhìn nhận dưới 2 góc độ: Sự dũng cảm, sẵn sàng xả thân của những “hiệp sĩ” để bảo vệ bình yên cho người dân; và tính chất rủi ro của công việc khi các tổ chức “hiệp sĩ” cho đến giờ vẫn chưa được pháp luật thừa nhận và bảo hộ.

Thiếu tướng Phan Anh Minh (Phó giám đốc Công an TPHCM) cho biết, các nhóm “hiệp sĩ đường phố” đã hoạt động từ 10 năm nay. Họ là những người dân bình thường, tự nguyện tham gia phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, do pháp luật còn thiếu các quy chế, quy chuẩn nên các nhóm đều hình thành tự phát, không được bồi dưỡng và quản lý.

Nói cách khác, họ “săn bắt” trộm cướp không trên cơ sở pháp lý nào, không được phép sử dụng công cụ hỗ trợ, không có cơ chế, quy chế bảo vệ, và hiển nhiên là cũng không có thù lao. Nên có thể ví họ như đội quân “đầu không đụng trời, chân không chạm đất”.

3.jpg
Hiện trường vụ án đêm 13/5 trên đường Cách mạng Tháng Tám, TPHCM

 

Họ chỉ có “vũ khí” duy nhất là lòng hào hiệp, như chàng Lục Vân Tiên ngày xưa.

Chính vì thế, khi đối mặt với bọn tội phạm, họ rất dễ rơi vào tình cảnh yếu thế. Như vụ việc vừa qua, trong khi bọn tội phạm thì có dao, kiếm sẵn sàng tấn công một cách hung hãn, thì họ chỉ có tay không để “chiến đấu”. Để rồi hậu quả bi thương đã xảy ra: Vợ mất chồng, con mất cha, những cha già, mẹ cả mất con…

Ở TPHCM cũng như nhiều địa phương khác, những hoạt động của các nhóm “hiệp sĩ” đều được coi là một phần của phong trào “Toàn dân phòng chống tội phạm”. Nói như Thiếu tướng Phan Anh Minh, “nhiệm vụ giải quyết tội phạm là của công an. Nhưng một mình ngành công an không thể làm tốt được, mà cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Trong đó có phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm”.

4.jpg
Nhóm "hiệp sĩ" quận Tân Bình tham gia vụ truy bắt tội phạm đêm 13/5, từ bên trái qua: Anh Lê Văn Tuyên (sinh năm 1994 - người không bị thương) anh Nguyễn Văn Thôi (sinh năm 1976 - tử vong), anh Nguyễn Hoàng Nam (sinh năm 1989 - tử vong) và ông Trần Văn Hoàng (sinh năm 1971, bị trọng thương) trong một lần gặp mặt

 

Mặc dù cũng có một số “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng nhìn chung, hoạt động của các nhóm “hiệp sĩ” đều xuất phát từ tinh thần sẵn sàng tự nguyện hy sinh quyền lợi cá nhân, sẵn sàng xả thân vì sự bình yên của người dân. Nghĩa cử cao đẹp ấy thật đáng được vinh danh!

Nhưng, điều mà nhiều người đặt dấu hỏi, là mặc dù đã hoạt động được 10 năm, nhưng tại sao cho đến giờ cơ quan chức năng ở TPHCM và nhiều địa phương khác vẫn chưa có được cơ sở pháp lý, căn cứ nào để chuẩn hóa mô hình hiệp sĩ?

Nhìn sang Bình Dương, các nhóm “hiệp sĩ” đều có sự kết hợp chặt chẽ với lực lượng công an. Cụ thể, qua tham mưu của Công an Bình Dương, ngày 4/11/2013, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 34/QĐ-UB ban hành kèm theo Quy chế tổ chức, hoạt động của các CLB phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh, trong đó có các nhóm “hiệp sĩ”. Họ được cấp kinh phí hoạt động trên 9,1 tỉ đồng/năm, cấp phương tiện, được trang bị gậy cao su, găng tay bắt dao... và được khen thưởng bằng tiền mặt sau những vụ bắt trộm, cướp, được hỗ trợ, thăm hỏi (ngoài kinh phí hoạt động thường xuyên) khi bị nạn.

Hằng năm, Công an tỉnh Bình Dương còn mở 2 đợt tập huấn về pháp luật, võ thuật cho các thành viên CLB phòng chống tội phạm. Hơn thế, UBND tỉnh còn có chính sách đối với những trường hợp trong lúc truy bắt các đối tượng phạm pháp gặp tai nạn, thương tích nặng hoặc tử vong sẽ được hưởng chế độ, chính sách như người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

1.jpg
Ngoài công việc chạy xe ôm, những lúc rảnh rỗi, ông Trần Văn Hoàng, thủ lĩnh nhóm "hiệp sĩ" quận Tân Bình còn phụ vợ bán nón ở ngã tư đường

 

Bày tỏ quan điểm trước việc người đồng hương – “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Thôi, tử vong khi săn bắt tội phạm ở TPHCM, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng, khẳng định rằng, nghĩa cử xả thân chống lại cái xấu, cái ác của các “hiệp sĩ” rất cao đẹp khiến ai cũng phải ngưỡng mộ, nghiêng mình. Trên cơ sở đó, ông Dũng “mong các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện thủ tục để cấp thẩm quyền xem xét, công nhận Liệt sĩ cho hai “hiệp sĩ” Thôi và Nam”.

Tuy nhiên, đó chỉ là mong muốn của cá nhân vị lãnh đạo tỉnh Bình Định, còn để hiện thức hóa mong muốn này có thể phải qua một chặng đường dài, với rất nhiều thủ tục, nhiều cấp xét duyệt. Bởi các tổ chức “hiệp sĩ” cũng như hoạt động của họ cho đến giờ vẫn chưa được Nhà nước chính thức thừa nhận, lấy cơ sở pháp lý nào để công nhận Liệt sĩ cho họ?

“Hiệp sĩ đường phố” hoàn toàn không phải là những cascadeur đóng thế trong các pha hành động mạo hiểm để nhận thù lao. Họ còn có cuộc mưu sinh của mình, còn có gia đình, vợ con của mình. Họ sẵn sàng xả thân chỉ với một nguồn năng lượng, đó là lòng nghĩa hiệp.

Sự nghĩa hiệp vào bất cứ thời đại, hoàn cảnh nào cũng là rất đáng được tôn vinh. Tuy nhiên, một khi sự nghĩa hiệp của người dân trở thành một thứ giá trị thay thế thường xuyên và liên tục trong việc phòng, chống tội phạm, trực tiếp đối mặt với hiểm nguy, chết chóc như vụ việc vừa qua, thì cũng cần đặt một câu hỏi ngược lại: Tại sao những “hiệp sĩ” phải trực tiếp chiến đấu với bọn tội phạm và hy sinh như vậy? Lực lượng chức năng lúc đó đang ở đâu?

Ông Phan Anh Minh có nói rằng, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh quy chế cho mô hình hiệp sĩ. Nếu lực lượng này được công nhận, công an sẽ cố gắng vun đắp, bảo vệ để phát triển, hạn chế tối đa thiệt hại. Hy vọng điều này sẽ sớm trở thành hiện thực.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn