Các bạn trẻ có thể tìm được nhiều bài học ý nghĩa từ anime - Ảnh minh họa internet. |
“Dị ứng” với thế giới thực
Chị Hoàng Thị Linh (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), có con đang học cấp 2 chia sẻ: Con nhà mình mê mệt anime của Nhật Bản. Sát ngày thi học kỳ mà cháu vẫn say sưa anime tới quên ăn, quên ngủ. Bị mẹ cấm, cháu còn chùm chăn, bật đèn pin để xem trộm vì không thể cưỡng lại. Gắn bó với anime, con gái chị Linh lúc nào cũng chỉ nghĩ về một thế giới ảo lý tưởng và có biểu hiện “dị ứng” với thế giới thực. “Thi thoảng đi học về, cháu lại than vãn đồng phục của trường mình quá xấu chứ không đẹp và gợi cảm như trang phục trong anime”; “Các bạn trai cùng lớp không đẹp trai, không ga-lăng như con trai anime”.
Chị Phan Hải Minh (Đà Nẵng) lại lo lắng anime vừa ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ, vừa khiến trẻ lệch chuẩn cả về hành động. “Hôm đó, con mình phạm lỗi nên bị mẹ mắng. Không ngờ, cháu hét lên: “Ta là siêu nhân, còn ngươi chỉ là con gián trong mắt ta”. Tưởng đó chỉ là lời nói vui của con trẻ nhưng chị để ý thấy còn thường xuyên xưng “ta” với cả ông bà và các chị... Đây là cách xưng hô phổ biến ở nhiều anime mà con tiếp xúc. Không chỉ có vậy, một số nhân vật trong nime còn có hành động như đấm, đá, tung chưởng, múa đao đi kèm với các ngôn từ như: “Hự, hạ”, “bùm”, “bụp”, “chát”, “xoảng”… “Gần đây, con mình rất hay múa máy tay chân, rồi còn nói năng cộc lốc, ngôn ngữ thì có phần bạo lực. Tất cả là do anime!”, chị Minh kết luận.
Nhiều cha mẹ khác cũng lo, anime làm ảnh hưởng tới sự phát triển giới tính bình thường của con. Chẳng hạn các bé gái sẽ bị ám ảnh với “hủ nữ” - từ dùng chỉ các nhân vật nữ trong anime bị thu hút bởi vẻ đẹp của các chàng gay đẹp và những mối tình giữa nam và nam. “Con mình còn tự tay vẽ hai chàng trai mũi cao, mắt lấp lánh hình sao đang nắm tay nhau, cùng lời diễn giải: “Thà nhìn các anh yêu nhau còn hơn thấy anh yêu cô ấy” - chị Nguyễn Thị Bình, một phụ huynh ở Hà Nội kể. Sau lần đó, bất chấp con khóc lóc, chị đã cấm con không được tiếp cận với anime.
Cơ hội để cha mẹ hiểu con
Theo Trương Linh, một họa sĩ chuyên vẽ truyện tranh, không thể phủ nhận rằng, anime thu hút được giới trẻ vì có nhiều điểm đáng yêu. Nghệ thuật thể hiện các nhân vật hoạt họa của anime rất điêu luyện, màu sắc lại sống động, tươi mới. Vì thế, anime khiến người đọc thích thú về cái đẹp. Anime cũng khắc họa, đề cao những đức tính quý báu của con người như quyết tâm, không khuất phục khó khăn, phân biệt đúng sai, thiện ác...
Trong các anime, Trương Linh rất ấn tượng với anime “Owari no Seraph” với cốt truyện về ma cà rồng xuất hiện từ lòng đất muốn biến loài người thành nô lệ. Nhân vật chính Hyakuya Yuuichirou là một trẻ mồ côi, bị ma cà rồng giam cầm để hút máu nhưng vẫn không khuất phục và nuôi ý chí khao khát có ngày giết hết toàn bộ ma cà rồng. “Dù chỉ là thế giới hoạt họa nhưng anime này đã khiến bạn trẻ tìm được nhiều bài học ý nghĩa, có giá trị”.
Ngoài ra, nhiều lời thoại của các nhân vật trong anime còn mang tính triết lý cao và được nhiều bạn trẻ sử dùng rộng rãi như phương châm sống của mình. Chẳng hạn: “Không gì là không thể!” dạy bạn trẻ nỗ lực vươn lên, bất chấp khó khăn và cuối cùng sẽ đến đích. “Nếu như sống mà không có ước mơ thì cũng như người đã chết rồi vậy” nói về con người phải luôn ước mơ vươn tới hay cả rnhững lời khẳng định ý nghĩa: “Cho dù cả thế giới không tin lời anh nói. Và đội lên đầu anh chiếc vương miện tội lỗi thì em vẫn sẽ bên anh”. Vì thế, cha mẹ không nên coi việc trẻ tiếp xúc anime là thảm họa hay điều gì đó kinh khủng.
Thạc sĩ tâm lý Ngô Toàn, Chủ nhiệm nghiên cứu về Liệu pháp Tỉnh thức trong trị liệu tâm lý về vai trò của cha mẹ trong thời @ cho biết, nhiều cha mẹ cũng từng hỏi ông, họ có nên cấm con đọc, xem những thể loại truyện tranh mà theo họ là không tốt (có cảnh đánh nhau, có hình ảnh cô gái mặc sexy với bộ ngực khủng, có cảnh bạn trai bạn gái tỏ tình…). Câu trả lời của ông là không nên cấm trẻ, bởi nếu cấm là cha mẹ đã cắt đứt mối liên hệ với con. Thay vào đó, cha mẹ bình tĩnh, dùng sở thích của con - chẳng hạn là anime - thành cơ hội để tiếp cận, cho con một cơ hội để nói lên suy nghĩ của mình.
* Thạc sĩ tâm lý Ngô Toàn, Chủ nhiệm nghiên cứu về Liệu pháp Tỉnh thức trong trị liệu tâm lý về vai trò của cha mẹ trong thời @: Đừng nghĩ trẻ thích một nhân vật hoạt họa đẹp trai là trẻ hư hỏng, hay trẻ xem một cuốn truyện với các bạn nữ mặc váy ngắn là trẻ cũng sexy. Đôi khi trẻ chưa nghĩ được nhiều như người lớn. Khi con thích một nhân vật sexy trong truyện, người mẹ có thể hỏi: “Con thấy bạn gái mặc hở ngực thế này là đẹp hay không đẹp? Nếu con trả lời là đẹp, người mẹ có thể nói tiếp: “Mẹ tin không ai ăn mặc hở hang như thế!”. Vậy là cha mẹ có thể nhẹ nhàng định hướng cho con. |