Khi tranh cãi, chúng ta dễ dàng lôi hết tất cả những điều lâu nay khiến ta bức bối trong lòng ra để nói. Có thể lúc đầu bạn khởi động “cuộc chiến” vì lý do “nửa kia” hay về muộn. Tuy nhiên, trước khi ý thức được điều mình đang nói thì có lẽ cả 2 lại đang la hét và cãi vã nhau vì việc “người kia” không bao giờ chịu đổ rác. Vấn đề là khi bạn không bám sát chủ đề tranh luận thì bạn sẽ khiến “nửa kia” bối rối và không hiểu nổi nguyên nhân chính khiến bạn bực bội là gì.
Theo hướng ấy, bạn có thể sẽ kết thúc cuộc tranh cãi bằng điều gì đó không hề liên quan đến chủ đề ban đầu khiến bạn “gây chiến”. Vì vậy, trước khi đưa vấn đề ra tranh luận, hãy nghĩ kỹ và lựa chọn cẩn thận điều bạn thực sự muốn nói và bám sát chủ đề đó trong suốt quá trình. Đừng để bất kỳ chủ đề nào khác xen vào, đồng thời cũng cần cố gắng lái “nửa kia” tập trung vào chủ đề chính đó.
Đôi khi "chiến tranh" giúp người trong cuộc hiểu nhau hơn (Ảnh minh họa)
Dù bạn thật sự đang rất bực tức thì cũng nên tránh những câu nói xúc phạm “đối phương” vì nó sẽ khiến cả bạn và bạn đời phân tâm, mất chú ý vào điều bạn thực sự muốn nói, đồng thời làm “nửa kia” bị tổn thương.
Những câu nói công kích nhắm vào cá nhân luôn khiến cho cuộc tranh luận trở nên “nóng” hơn cần thiết. Bởi thế, hãy gạt bỏ những chỉ trích cá nhân sang một bên và chỉ tập trung vào chủ đề chính.
Tạm quên quá khứ
Khi tranh cãi, chúng ta dễ dàng chỉ trích và sa đà và việc nhấn mạnh rằng “đối phương” từng mắc sai lầm tương tự thế này trước đây rồi. Để chứng minh cho những gì mình nói, bạn có thể còn muốn liệt kê ra hết những trường hợp tương tự. Tuy nhiên, một người tranh luận thông mình sẽ không bao giờ lôi chuyện cũ ra nói, bởi làm như thế không những chẳng giải quyết được vấn đề của hiện tại mà còn làm tổn thương cảm xúc của chính mình và bạn đời. Có thể bạn sẽ sa vào nguy cơ tranh cãi về một vấn đề cũ tưởng đã “ngủ yên”, thay vì chủ đề cần giải quyết trong hiện tại.
Chủ động đưa ra giải pháp
Khi khơi mào “chiến tranh” mà không chủ động đưa ra một giải pháp để xử lý và cải thiện vấn đề thì tất cả những gì bạn làm chỉ dừng lại ở việc cằn nhằn. Bạn đang gửi cho bạn đời một thông điệp rằng bạn tức điên và chỉ muốn nói thẳng vào mặt anh ấy/cô ấy cho bõ tức. Bạn không thực sự quan tâm đến kết quả của cuộc tranh luận, bạn chỉ muốn làm cho “đối phương” cảm thấy tồi tệ vì đã khiến bạn giận dữ.
Thay vì chỉ phàn nàn về những lỗi lầm của bạn đời, hãy chủ động đưa ra một giải pháp mà anh ấy/cô ấy (hay cả hai vợ chồng) có thể làm để cải thiện vấn đề. “Nửa kia” sẽ cảm động khi bạn cho anh ấy/cô ấy một cơ hội để sửa chữa và chính bản thân bạn cũng sẽ cảm thấy tốt hơn khi “đối phương” làm theo giải pháp của bạn. Điều này đảm bảo rằng “cuộc chiến” giữa hai vợ chồng sẽ không kéo dài lâu, bởi bạn đang nói cho anh ấy/cô ấy biết họ có thể làm gì để sửa chữa sai lầm.