Hiệu quả từ mô hình “Tổ liên kết sản xuất bún, bánh phở” An Phong

22:05 | 03/05/2023;
Tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ bún, bánh làng nghề truyền thống An Phong (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) do Hội LHPN thị trấn Ngô Mây xây dựng và hỗ trợ hoạt động đã giúp nhiều chị em phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Hiệu quả từ mô hình “Tổ liên kết sản xuất bún, bánh phở” An Phong - Ảnh 1.

Mô hình “Tổ liên kết sản xuất bún, bánh phở” An Phong đã giúp nhiều chị em phát triển kinh tế gia đình

Mô hình "Tổ liên kết sản xuất bún, bánh phở" An Phong tại thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát thành lập năm 2019, đến nay có 12 thành viên là chị em hội viên, phụ nữ trên địa bàn thị trấn. Các thành viên chuyên sản xuất các loại bún, bánh phở khô cung cấp trên địa bàn và bỏ mối sỉ đi các tỉnh thành trong cả nước.

Hiệu quả từ mô hình “Tổ liên kết sản xuất bún, bánh phở” An Phong - Ảnh 2.

Mô hình tổ liên kết giúp chị em hỗ trợ nhau trong sản xuất

Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Ngô Mây Phạm Thị Kim Liên cho biết, mô hình tổ liên kết giúp chị em hỗ trợ nhau trong sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng khoa học - kỹ thuật để ngày càng nâng cao chất lượng và ổn định đầu ra sản phẩm, tạo việc làm tăng thu nhập. "Là nghề truyền thống nên trước đây các chị em đã sản xuất và bán ra thị trường. Tuy nhiên, các chị em chưa hiểu được việc tham gia vào tổ liên kết sẽ mang lại hiệu quả trong việc sản xuất, cũng như tiêu thu sản phẩm ra thị trường. 

Nắm được hạn chế đó, Hội đã tuyên truyền vận động, giải thích để các chị em hiểu và tham gia vào tổ liên kết. Thông qua mô hình đã hỗ trợ các thành viên trong việc lựa chọn thực phẩm, khâu sản xuất, đóng gói và tiêu thụ. Qua đó giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, tích cực tham gia các hoạt động Hội tại địa phương", chị Kim Liên cho biết.

Hiệu quả từ mô hình “Tổ liên kết sản xuất bún, bánh phở” An Phong - Ảnh 3.

Ngoài sản phẩm truyền thống, nhiều sản phẩm mới ra đời nhằm đáp ứng khẩu vị của người tiêu dùng

Ngoài việc sản xuất các loại bún, bánh phở gạo trắng bình thường, hiện nay, nắm bắt nhu cầu thay đổi khẩu vị của người tiêu dùng, chị Hà Thị Hương (thương hiệu Bún, bánh Phở Cô Phương) - Tổ trưởng tổ liên kết - đã có ý tưởng, nghiên cứu, tìm tòi và họp bàn bạc cùng với các thành viên trong tổ để làm ra 2 sản phẩm mới là Phở rau củ quả và Phở gạo lức. Sản phẩm làm ra luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo chất dinh dưỡng từ các loại rau củ quả, thơm ngon, bổ dưỡng.

Hiệu quả từ mô hình “Tổ liên kết sản xuất bún, bánh phở” An Phong - Ảnh 4.

Các thành viên trong tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ra thị trường ổn định

Theo Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Ngô Mây Phạm Thị Kim Liên, mô hình "Tổ Liên kết Bún, bánh phở" An Phong, thị trấn Ngô Mây bước đầu mang lại hiệu quả. Các thành viên trong tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ra thị trường ổn định. Qua đó giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, tích cực tham gia các hoạt động Hội. Thu nhập bình quân của chị em khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Hiệu quả từ mô hình “Tổ liên kết sản xuất bún, bánh phở” An Phong - Ảnh 5.

Sản phẩm bún, bánh phở cô Phương của chị Hà Thị Hương

Điển hình như gia đình chị Hà Thị Hương, từ mô hình Tổ liên kết, kinh tế gia đình ngày càng tốt hơn. Cuối năm 2020, chị Hương đã xây mới ngôi nhà khá khang trang để rộng rãi hơn cho việc sản xuất, chứa bún, bánh. Ngoài ra, chị Hương còn hỗ trợ ra riêng cho vợ chồng con gái, lên kế hoạch đầu tư máy móc phát triển nghề, tạo việc làm cho chị em phụ nữ trong vùng. 

Theo chị Hà Thị Hương, có được thành quả đáng mừng này là nhờ định hướng, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, đặc biệt là Hội LHPN thị trấn Ngô Mây đã giúp chị mạnh dạn chọn hướng đi bài bản, bền vững, phát triển nghề dựa trên cơ sở thế mạnh địa phương, đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu riêng, đầu tư tham gia sản phẩm OCOP, tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, nỗ lực quảng bá sản phẩm…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn