Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), năm 2020 thiên tai diễn biến phức tạp, khốc liệt, dị thường ở các vùng miền cả nước. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra trên 576 trận thiên tai, trong đó: 14 cơn bão trên biển Đông, 2 áp thấp nhiệt đới; 264 trận giông, lốc, 132 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng. Các loại hình thiên tai trên đã làm 357 người chết, mất tích; 912 người bị thương... Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 39.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, thiên tai đã tác động nặng nề đến quá trình xây dựng nông thôn mới. Thực tế vừa qua, nhiều xã được công nhận NTM, chỉ sau một trận lũ, cơn bão thì các thành quả đã bị mai một, thậm chí xóa sổ. Do đó, việc thực hiện lồng ghép kế hoạch phát triển kinh tế xã hội với kế hoạch phòng chống thiên tai, đưa yếu tố an toàn trước thiên tai của cộng đồng dân cư vào trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới là hết sức cần thiết và cấp bách, nhằm đảm bảo tính bền vững cũng như đảm bảo thành quả của các địa phương trong xây dựng nông thôn mới.
Trước thực tế trên, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã phối hợp triển khai mô hình thí điểm "Xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ" trong xây dựng nông thôn mới. Dự án được thực hiện từ tháng 7/2018 đến tháng 12/2020 tại 6 xã điển hình đại diện cho 6 tỉnh thuộc 6 khu vực thiên tai của cả nước: Xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai; xã Hợp Đức, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương; xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng; xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk và xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
Ông Võ Văn Phát, Chủ tịch UBND xã Tân Quới cho biết, địa bàn xã chịu nhiều ảnh hưởng bởi giông lốc, sạt lở. Nhiều điểm sạt lở ăn sâu vào đất liền 20m, chiều dài gần 1km, ước tính toàn xã mất khoảng 19ha diện tích do sạt lở.
Từ khi triển khai mô hình, lực lược xung kích phòng chống thiên tai của xã được thành lập, duy trì và được tấp huấn nâng cao các kiến thức, kỹ năng ứng phó, giảm thiểu rủi ro do thiên tai. Mô hình này đã phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Lực lượng xung kích đã tích cực tuyên tuyền về giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra cho người dân.
"Thời gian tới, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo tiếp tục bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Vì thế, cần quan tâm hơn nữa trong đầu tư xây dựng công trình, thiết bị cơ sở vật chất phòng chống thiên tai và nhân rộng mô hình này", ông Võ Văn Phát cho biết.
Theo Thiếu tướng Trần Văn Sơn, Phó cục trưởng Cục Dân quân Tự vệ (Bộ Quốc phòng), phát huy 4 tại chỗ rất hữu ích trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Tại các xã, phường đều có lực lượng dân quân tự vệ. Thực tế đã chứng minh, lực lượng này có vai trò rất lớn trong việc giúp dân phòng tránh và khắc phục hậu quả thiên tai. Vì thế, cần tiếp tục phát huy vai trò của lực lượng trên để giúp người dân giảm thiệt hại rủi ro do thiên tai gây ra.
Tại Hội thảo khoa học tổng kết, đánh giá kết quả triển khai mô hình thí điểm "Xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ" trong xây dựng nông thôn mới, do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức ngày 29/12, nhiều đại biểu cho rằng, trước diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, việc thực hiện và phát huy tốt hiệu quả phương châm 4 tại chỗ là hết sức quan trọng. Do đó, cần có chính sách, đầu tư để hoàn thiện mô hình "Xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ" trong xây dựng nông thôn, sau đó nhân rộng ra cả nước.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn