Hiệu trưởng ĐH top đầu nói về việc có nên duy trì kỳ thi '2 trong 1'?

18:32 | 01/08/2018;
Lãnh đạo hai trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Thương mại đã có những chia sẻ liên quan đến việc có nên tiếp tục duy trì kỳ thi THPT Quốc gia sau hàng loạt gian lận điểm thi gây chấn động thời gian qua.

Đánh giá về kỳ thi cần khách quan

Trao đổi tại buổi giao lưu trực tuyến trên báo điện tử Dân trí chiều nay, 1/8, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chính thức nêu quan điểm của mình liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia sau bê bối gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La.

Theo ông, qua những vụ việc về gian lận thi cử ở các địa phương, nổi lên ở Hà Giang và Sơn La khiến dư luận xã hội hết sức bất bình và phẫn nộ và đặc biệt là sự vi phạm trắng trợn của các cá nhân công tác trong ngành Giáo dục. Đây chính là sự xuống cấp của đạo đức, sự tha hóa của cán bộ...

top.jpg
PGS.TS Trần Văn Tớp chia sẻ về gian lận thi cử vừa qua. Ảnh: Nguồn Dân Trí
 

Trước băn khoăn liệu kỳ thi có cần tiếp tục được tổ chức khi tiêu cực lớn xảy ra, ông Trần Văn Tớp cho rằng để đánh giá một cách khoa học về kỳ thi với mục đích xét tuyển vào ĐH-CĐ cần có đầy đủ thông tin và thời gian.

“Nhiều ý kiến cho rằng không nên duy trì kỳ thi như hiện nay khi tỷ lệ tốt nghiệp đạt 95-97%. Cá nhân tôi có một suy nghĩ khác, kỳ thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả xét tốt nghiệp mà chúng ta gọi là kỳ thi THPT Quốc gia do Luật quy định. Đã học thì phải có thi, để đánh giá, kỳ thi nào dù là hết môn học hay hết học kỳ hay hết cấp đều cần phải tổ chức thi hết sức nghiêm túc. Điều này không chỉ thể hiện sự công bằng với các thí sinh - những người học mà còn là sự đánh giá khách quan chất lượng giáo dục và có tính khoa học để sinh viên, học sinh phải phấn đấu vươn lên” – Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội nhận định.

Với quan điểm vẫn nên tiếp tục duy trì kỳ thi, PGS.TS Trần Văn Tớp đưa ra một số lý do cụ thể như: Cần đánh giá giáo dục phổ thông một cách tổng thể từ công tác tổ chức, quản lý, giảng dạy đến chất lượng giáo dục trên một bình diện chung của cả nước chứ không phải của từng tỉnh, thành; Dùng kết quả để đánh giá năng lực và kiến thức của học sinh để phân loại tốt nghiệp loại Giỏi - Khá - Trung Bình - Không tốt nghiệp...

“Vì vậy, tôi cho rằng nếu 100% thí sinh đạt yêu cầu chuẩn đầu ra kiến thức thì họ có thể tốt nghiệp; không thể nói mục tiêu của kỳ thi này là để loại 2% hay 3% học sinh” – ông nói.

Chưa chuẩn khi nói là kỳ thi “2 trong 1”

Đây là điều được GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại, nhấn mạnh khi nhắc đến kỳ thi THPT Quốc gia. Theo ông, không có kỳ thi gọi là “2 trong 1”. Đây là kỳ thi mà mục đích trước hết là xét tốt nghiệp còn sau nữa các trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi này để phục vụ cho công tác tuyển sinh hay không là quyền của các trường. Bởi vì, Bộ GD&ĐT đã giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ.

thi.jpg
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia. Ảnh minh họa
 

“Các trường đại học được quyền chủ động xây dựng phương án tuyển sinh theo hướng nào là quyền của các trường. Có thể xét tuyển thông qua học bạ, có thể sử dụng kết quả THPT hoặc kết hợp cả 2; hoặc trường tự tổ chức thi tuyển trên cơ sở phương án được Bộ GD&ĐT phê duyệt” theo ông Đinh Văn Sơn.

Đề cập về việc, liệu các trường có thể tự chủ tuyển sinh như trước hay không để đảm bảo tối đa khách quan cho kỳ thi quan trọng, ông Sơn cho rằng, Bộ GD&ĐT đã có quy định về quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học. Do vậy, việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia ở mức độ nào, tổ chức thi thêm những môn nào là quyền của các trường.

Tuy nhiên, việc từng trường mở thêm một kỳ thi để phục vụ cho công tác tuyển sinh sẽ làm cho kết quả xét tuyển khách quan hơn nhưng sẽ phát sinh rất nhiều chi phí, hơn nữa cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro trong quá trình tổ chức kỳ thi riêng đó.

Điều này, theo ông Đinh Văn Sơn, nếu muốn thực hiện thì chỉ có cách duy nhất là các trường cùng khối ngành đào tạo hợp tác tổ chức 1 kỳ thi chung với các môn thi phù hợp với ngành và chuyên ngành đào tạo.

Trong khi đó, ông Trần Văn Tớp cũng khẳng định rằng, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển.

“Tuy nhiên, chúng tôi luôn luôn yêu cầu rất cao và cũng đã đóng góp những ý kiến để hoàn thiện quy chế thi THPT Quốc gia. Trong thời gian tới, khi Bộ GD&ĐT tổ chức rút kinh nghiệm cũng như đề xuất các giải pháp, kể cả cách thức thi cho năm tới, chúng tôi sẽ tham gia một cách trách nhiệm trong đề xuất các giải pháp để tránh tình trạng gian lận thi cử như năm 2018”, ông Tớp nhấn mạnh. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn