Khả năng bắt chước của trẻ là rất mạnh mẽ. Những lời nói và hành động của cha mẹ sẽ có tác động quan trọng đến hành trình phát triển của trẻ. Trong một bài phát biểu, Hiệu trưởng Jin Yuliang của Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc đã từng nói rằng chính cha mẹ là người ảnh hưởng đến trẻ nhỏ nhiều trong quá trình tăng trưởng, lớn lên. Cách suy nghĩ và hành vi của cha mẹ sẽ mang đến những hướng phát triển khác nhau ở trẻ.
Tầm quan trọng của giáo dục gia đình
1. Tác động của giáo dục gia đình đối với trẻ nhỏ
Giáo dục gia đình không ngừng phát triển và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hãy tưởng tượng rằng nếu một đứa trẻ sống trong một gia đình mà cha mẹ cãi nhau cả ngày, đứa trẻ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Sau này, khi trẻ lớn lên, cả về tình yêu, tình cảm của trẻ cũng sẽ chịu tác động không tích cực và nó còn tiếp tục ảnh hưởng tới thế hệ tiếp theo.
Sự trưởng thành của một đứa trẻ không thể tách rời với sự hướng dẫn và giáo dục của cha mẹ, và thành công của đứa trẻ cũng liên quan chặt chẽ đến giáo dục gia đình.
Chính cha mẹ là người ảnh hưởng đến trẻ nhỏ nhiều trong quá trình lớn lên. Cách suy nghĩ và hành vi của cha mẹ sẽ mang đến những hướng phát triển khác nhau ở trẻ. (Ảnh minh họa)
Trong quá trình giáo dục con cái, mỗi cha mẹ đều hay áp dụng chiêu so sánh “con nhà người ta” để khiến con mình có động lực hơn. Câu phổ biến mà cha mẹ thường nói với con là: “Con xem bạn XXX đấy, bạn ấy có điểm số tốt và được nhiều người biết đến, khen ngợi. Con nhìn vào bạn ấy mà học tập, nếu con không phấn đấu được như bạn ấy thì con quá kém cỏi. Thật sự không biết con đã thừa hưởng cái sự kém cỏi đó từ ai nữa”.
Theo thống kê, đây là câu gây khó chịu nhất cho tất cả trẻ em, và nó cũng sẽ làm giảm nhiệt tình của trẻ em đối với mọi thứ.
2. Tác động của môi trường gia đình đến trẻ em
Môi trường gia đình sẽ ảnh hưởng đến giáo dục gia đình và ngược lại. Nếu trẻ sống trong môi trường gia đình trong một thời gian dài, trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi cha mẹ. Nếu môi trường ở nhà là tích cực, thì trẻ sẽ phát triển theo chiều hướng tốt, nhưng nếu môi trường ở nhà hỗn loạn, dĩ nhiên trẻ sẽ phát triển lệch lạc đi. Khi cha mẹ đi làm về, họ nằm trên ghế sofa và chơi với điện thoại di động liên tục thì không có gì ngạc nhiên khi trẻ cũng học những thói quen xấu này.
Hiệu trưởng Jin Yuliang nói: Cha mẹ nên nói 4 điều này với con mỗi tối trước khi đi ngủ. Chỉ bằng cách đơn giản này, tương lai con sẽ trở thành một đứa trẻ tốt:
Ngày hôm nay của con thế nào?
Mục đích chính của việc đặt câu hỏi này là để cho trẻ học cách tự suy ngẫm. Trẻ sẽ nhớ lại những việc ngày hôm nay làm ở trường. Nếu có thành tích tốt, trẻ sẽ vui lòng chia sẻ với cha mẹ và chờ đợi lời khen từ cha mẹ. Và nếu trẻ học không tốt ở trường, thì chắc chắn câu trả lời của con sẽ là nhờ bố mẹ giúp hoặc thậm chí là trẻ rất ngại ngùng không dám chia sẻ.
Lúc này, sự hướng dẫn của cha mẹ là rất quan trọng. Cha mẹ nên học cách quan sát cảm xúc của trẻ. Nếu thấy con có vẻ buồn, thất vọng hoặc lo lắng, hãy khuyến khích trẻ kịp thời để gia tăng sự tự tin.
Hỏi về 1 ngày của con trôi qua như thế nào là cách để bố mẹ và con gần gũi hơn, hiểu con hơn (Ảnh minh họa)
Con đã học được gì ở trường ngày hôm nay?
Đặt câu hỏi này là cho phép trẻ củng cố và xem xét kiến thức đã học ở trường ngày hôm nay, và để trẻ nói ra những kiến thức mới bằng lời nói của mình, làm sâu sắc thêm sự hiểu biết của trẻ.
Không chỉ vậy, cha mẹ cũng có thể nhân cơ hội này để trao đổi ý tưởng học tập với con cái, điều này cũng rất hữu ích để tăng cường mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Hôm nay con ấn tượng nhất với điều gì? Con nghĩ thế nào về điều đó?
Nếu cha mẹ hỏi trẻ câu hỏi này, trẻ có thể học cách tổ chức ngôn ngữ trong quá trình trả lời, khả năng ngôn ngữ được cải thiện và khả năng suy nghĩ độc lập của trẻ cũng có thể dần dần phát triển. Nhờ đó, bất kể vấn đề nào gặp phải trong cuộc sống sau này trẻ cũng có thể được giải quyết độc lập.
Đặt câu hỏi này là cho phép trẻ củng cố và xem xét kiến thức đã học ở trường ngày hôm nay, và để trẻ nói ra những kiến thức mới bằng lời nói của mình, làm sâu sắc thêm sự hiểu biết của trẻ. (Ảnh minh họa)
Hôm nay con có cần bố mẹ giúp đỡ việc gì không?
Không ai có cuộc sống suôn sẻ, người lớn cũng như vậy, và trẻ em cũng thế. Cha mẹ nên học cách hỏi trẻ nếu chúng cần giúp đỡ. Trẻ em sẽ cảm thấy an toàn hơn, thấy tự tin hơn để đối mặt với các vấn đề trong tương lai khi biết được rằng luôn có bố mẹ ủng hộ và mình không cô độc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn