Hình ảnh chiếc khăn rằn trong “Đất rừng phương Nam” sao lại có nhiều tranh cãi về cách dùng đến thế?

13:03 | 14/10/2023;
Từ việc Bác Ba Phi quấn khăn trên đầu, đến kích thước họa tiết bị nhiều người cho rằng không giống với hình ảnh đời thường của một trong những biểu tượng vùng đất, con người miền Tây Nam Bộ.

"Chiếc khăn rằn trong phim cảm giác không thực"

Đất rừng phương Nam là bộ phim điện ảnh được thực hiện dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim truyền hình Đất phương Nam vào năm 1997. Từ những ngày dự án phim Đất rừng phương Nam công bố, đã có rất nhiều phản ứng từ im lặng, ủng hộ cho đến không đồng tình vì không tin sẽ có bất cứ phiên bản nào có thể thay thế được bộ phim đã gắn chặt ký ức tuổi thơ của mọi người theo cách rất đẹp mà Đất phương Nam đã từng.

Phim Đất rừng phương Nam công chiếu, hình ảnh chiếc khăn rằn tại sao lại có nhiều tranh cãi về cách dùng đến thế? - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Trấn Thành trong vai Bác Ba Phi cùng chiếc khăn rằn bị cho là không tự nhiên và quá mới xuất hiện ở “Đất rừng phương Nam” vừa công chiếu.

Tạm gác về chất lượng hay nội dung bởi đây không phải là bài viết bình phim, mà thay bằng một trong những chủ đề khác nhiều người quan tâm không kém, đó chính là chiếc khăn rằn do nghệ sĩ Trấn Thành thủ vai bác Ba Phi quấn trên đầu hay cách quàng ngang vai của dàn diễn viên trong MV đều bị cho là không thực? Chưa kể, kích thước ô vuông trên khăn rằn cũng bị mang ra "soi" vì quá to nên cho rằng ekip đã dùng chiếc khăn đồ hiệu để thay thế.

Vì đâu đến nỗi?

Từ trước đến nay, việc tạo hình nhân vật trong các bộ phim khi có yếu tố lấy cảm hứng hoặc dựa theo hình tượng nào đó đều không dễ tránh khỏi sự so sánh. Đằng này, đây còn là một trong những biểu tượng gắn liền với đời sống, văn hóa, lịch sử của một vùng đất từ thuở khai thiên lập địa được mang lên màn ảnh rộng ở thời hiện đại nên càng bị chú ý nhiều hơn, âu cũng có thể xem là điều dễ hiểu.

Khăn rằn của người miền Tây và khăn Krama không có quá nhiều sự khác biệt, dễ nhận thấy nhất là kích thước khăn rằn nhỏ hơn, chất liệu dày và ít màu sắc hơn.

Theo các tài liệu nghiên cứu lịch sử ghi lại, khăn rằn có nguồn gốc từ văn hóa của người Khmer Nam bộ với tên gọi Krama mang họa tiết sọc caro đen trắng đặc trưng xuất phát từ tín ngưỡng của người Khmer theo đạo Hindu thờ vị thần bảo tồn Vishnu. Truyền thuyết kể rằng, vị thần này cưỡi trên mình rắn thần Naga 7 đầu nên bằng sự tôn kính, người Khmer đã dệt ra chiếc khăn Krama có các ô caro tựa như vô vàn những chiếc vảy trên bộ da của rắn thần cầu mong sự che chở, mang lại may mắn và bình an. 

Qua năm tháng cùng quá trình cộng cư của các dân tộc trên vùng đất đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ khăn rằn mà nhiều nét văn hóa khác dần được giao thoa, hình thành nên chiếc khăn rằn được người dân ở vùng sông nước đưa vào sử dụng. Trong đó, đặc trưng nhất là người miền Tây Nam Bộ thường kết hợp khăn rằn với áo bà ba, đội theo chiếc nón lá khi ra đồng làm ruộng, hay cả với những người buôn gánh bán bưng. Bất kể đàn hay ông đàn bà thì khăn rằn đã từng có một giai đoạn không thể thiếu trong cuộc sống đời thường.

Người miền Tây dùng khăn rằn trong nhiều dịp khác nhau như vật dụng cá nhân không thể thiếu. Ảnh: Duy Khôi, Here We Go.

Với tôi, một người có xuất thân từ miền Tây sông nước còn nhớ rất rõ ông ngoại tôi cũng có chiếc khăn rằn hay để sẵn ở nhà, mỗi lần ra ruộng hay ra ao tát cá, lúc nào ông cũng quấn chiếc khăn trên đầu để đỡ vướng tay vướng chân và nó cũng là thứ giúp ông ngăn mồ hôi lăn xuống mặt trong quá trình làm việc. Bà ngoại tôi cũng thế, dù ra ao hái rau muống hay lúc gánh đi bán dạo, khăn rằn cũng là thứ bà hay quấn lên người để chặm mồ hôi đã trở thành những hình ảnh rất đỗi thân thuộc mà đến nay tôi chưa bao giờ quên. 

Với những người thuộc thế hệ trước, do điều kiện sống còn quá khó khăn nên việc sở hữu một chiếc khăn rằn không đơn giản là món phụ kiện như bây giờ. Theo lời mẹ tôi kể, nhiều khi khăn rách rồi vẫn phải vá lại dùng chứ chẳng ai nỡ bỏ hay mua mới, "quần áo có thể thay theo dịp chứ ra đồng, đi xem hát, đám giỗ, cưới hỏi ông bà xưa đều quấn khư khư dẫu sờn rách hay đã phai màu". Cũng vì lẽ đó, khăn rằn như đại diện cho một thời lắm khổ cực, cho những con người lao động chân lấm tay bùn, nên sự mới tinh và tươm tất ắt sẽ mang đến cảm giác rất khác so với ký ức của mỗi người và dễ bị cho là mất đi cái chất.

Hình ảnh NSƯT Trọng Phúc sử dụng khăn rằn khoác chéo vai và sự chỉn chu của dàn diễn viên trong MV “Bài ca đấy phương Nam bị nhiều người cho là không tự nhiên. Nhưng xét thấy, ngoài việc đây là MV ca nhạc thì việc sử dụng khăn rằn khi kết hợp với Âu phục nếu vẫn được đón nhận thì cũng không có lý do gì để phải quá soi vào cách dùng của nó.

Trả lời về vấn đề này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng chia sẻ: "Đúng là có những tranh cãi nhưng MV “Bài ca phương Nam” chỉ là một bài hát, không phải phim. Các diễn viên đến ghi hình, tự thoại, tự hát bài hát.

Nếu trang phục, tạo hình diễn viên cũng giống trong phim nữa thì khá chán. Trấn Thành chọn một cái áo đẹp để quay thôi. Cách đeo khăn rằn cũng chỉ là một yếu tố thời trang thôi, đâu có sao?".

Hãy nhìn về mặt tích cực

Hiện tại, Đất rừng phương Nam đang nhận rất nhiều phản ứng trái chiều. Song, vẫn có không ít điều đáng để chúng ta nhìn nhận theo hướng tích cực đó là thông qua bộ phim lần này mới thấy, tình yêu và sự mến mộ của mọi người về các giá trị thuộc về văn hóa xưa vốn dĩ rất lớn. Với riêng chiếc khăn rằn cũng là cơ hội để những người thuộc thế hệ trẻ vốn không được tiếp xúc hay có ký ức về nó được biết đến nhiều hơn.

Làng nghề trăm tuổi làm khăn rằn tại Đồng Tháp. Ảnh: thamhiemmekong.

Hiện nay, làng nghề dệt khăn rằn trăm năm tuổi ở tỉnh Đồng Tháp là nơi hiếm hoi vẫn còn gìn giữ và phát triển sản phẩm này. Vừa trong tháng 5 năm nay (2023), Làng nghề dệt choàng ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Nghề thủ công truyền thống. 

Nhưng mấy ai nhớ được trước đó, những người ở làng nghề này đều đau đáu chia sẻ sự khó khăn để có thể tiếp tục phát triển nghề, bởi khăn rằn thời nay có quá ít cơ hội sử dụng do sự thay đổi tất yếu của cuộc sống. Trải qua hàng chục năm, khi khăn rằn có cơ hội mới, thị trường mới, người dân nơi đây mới dám mạnh dạn đầu tư trang thiết bị để được làm và được giữ cái cha ông để lại. Ngoài sản xuất thì họ còn mở thêm các tour tham quan, trải nghiệm nhằm giới thiệu, quảng bá chiếc khăn mang đậm dấu ấn về văn hóa và con người chịu thương, chịu khó, mộc mạc nhưng triều mến của cả vùng sông nước nói chung.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên - cũng là một trong những doanh nhân hiếm hoi thời nay chủ động gắn hình ảnh của mình với chiếc khăn rằn mộc mạc này khi đến bất cứ nơi đâu và trong bất kể bộ trang phục nào dù có đắt tiền đến mấy. Ông từng chia sẻ: "Cái khăn quàng cổ này có giá trị rẻ thôi nhưng nó thể hiện được nhiều điều. Ngày trước các chiến sĩ đi kháng chiến đều quàng những chiếc khăn rằn này trên cổ, dù bom đạn, vất vả nhưng họ rất kiên cường chiến đấu, họ như những chiến binh thực sự. Qua quàng khăn để thấy mình như những chiến binh đó".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn