"Lịch sử chưa bao giờ chỉ là quá khứ. Học Lịch sử còn để hiểu hiện tại và biết tương lai". Những chia sẻ của Nguyễn Đăng Hoa Huyền, một bạn trẻ thuộc thế hệ 10X, hiện là học sinh lớp 11 chuyên Sử trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam, khiến ta như thấy mạch ngầm lịch sử đang cuộn chảy trong bao thế hệ người Việt.
Những mùa xuân cứ tiếp nối, trao truyền, mang theo hy vọng mãnh liệt vào sự bất tử của dòng chảy Việt Nam, đặc biệt trong một năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và của phụ nữ Việt Nam như 2020.
Tôi từng đọc những bài thơ viết về những người phụ nữ Việt Nam. Nhưng có một câu thơ của một nhà thơ-cựu binh Mỹ, Bruce Weigl, viết về một phụ nữ Việt Nam đã sống và chiến đấu trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại luôn ám ảnh tôi. Đó là câu thơ "cuộc đời chị bay như một lá cờ". Câu thơ dựng lên một vẻ đẹp kiêu hãnh, mạnh mẽ và bất diệt. Cứ mỗi khi câu thơ này vang lên, tôi lại thấy gương mặt của những người phụ nữ Việt Nam trong những cuộc chiến tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc hiện lên.
Đó là những người phụ nữ đã dâng hiến trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc.
Đấy là gương mặt mẹ Suốt chèo đò dưới làn bom Mỹ đưa bộ đội qua sông, là gương mặt chị Võ Thị Sáu trên pháp trường, là gương mặt với nụ cười chiến thắng của chị Võ Thị Thắng trước kẻ thù, là gương mặt của chị Nguyễn Thị Định với chiếc áo bà ba và chiến khăn rằn, là gương mặt của những cô gái ngã ba Đồng Lộc...
Trên thực tế, tôi đã được ngắm nhìn các chị qua những bức ảnh đầy ấn tượng. Nhưng khi câu thơ của một nhà thơ nước ngoài vang lên thì hình như tôi mới thấy hết vẻ đẹp và sự kiêu hãnh của những người phụ nữ ấy. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi Quốc ca Việt Nam vang lên cùng lá cờ Tổ quốc bay lên, tôi lại thấy trên những lá cờ Tổ quốc gương mặt của những người phụ nữ Việt Nam. Đẹp lộng lẫy và thiêng liêng đến trào nước mắt.
Dân tộc Việt Nam đã dựng lên lịch sử kỳ vĩ của mình qua những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Và những người phụ nữ Việt Nam là những người dựng lên một phần quan trọng của lịch sử ấy. Những người phụ nữ Việt Nam đã dựng lên một lịch sử khác biệt cho dân tộc Việt Nam so với nhiều dân tộc khác trên thế giới. Bởi trong sự hy sinh vô bờ ấy chứa đựng một lịch sử của văn hóa Việt. Đó là vẻ đẹp chứa đựng sự huyền ảo và dịu dàng của nước, là vẻ đẹp chứa đựng lòng nhân hậu lớn lao, là vẻ đẹp của sự hy sinh lặng lẽ, là vẻ đẹp của khát vọng như lửa...
Trong một lần nói chuyện với bạn đọc Mỹ tại trường Đại học Massachusetts về chiến tranh Việt Nam, tôi đã kể câu chuyện về một bà mẹ. Mẹ đã gửi người con trai thứ nhất vào mặt trận. Đứa con thứ nhất hy sinh. Mẹ gửi đứa con thứ hai vào mặt trận. Đứa con thứ hai hy sinh. Mẹ gửi đứa con thứ ba vào mặt trận. Đứa con thứ ba hy sinh. Mẹ gửi đứa con thứ tư vào mặt trận. Đứa con thứ tư hy sinh... Khi tôi nói đến đó, một người Mỹ đứng lên khóc và kêu lên: "Xin đừng gửi nữa, xin đừng gửi nữa". Hầu hết những người Mỹ nghe nói chuyện hôm đó đã khóc và đã nhận ra sự hy sinh vĩ đại của những người phụ nữ Việt Nam mà hình như ít có phụ nữ của dân tộc nào làm được như vậy.
Những người phụ nữ đau đớn hơn bất cứ ai khi phải hiến dâng những đứa con cho Tổ quốc nhưng họ sẽ đau đớn hơn ngàn lần khi đất nước trở thành nô lệ. Hồi nhà thơ Phạm Tiến Duật còn sống, ông luôn kể cho tôi nghe câu chuyện về một bà mẹ ở địa đạo Vĩnh Linh mà sau này ông có đưa vào thơ. Bà mẹ ấy nói: "Thà ăn muối suốt đời còn hơn là có giặc".
Một lần, nhà thơ Mỹ Bruce Weigl được một nữ nhà văn mời đến nhà ăn tối. Bruce Weigl đã quan sát chị nấu ăn, cắm hoa và nói những câu chuyện thật dịu dàng và ấm áp. Bruce Weigl đã bàng hoàng khi biết được rằng: Người phụ nữ đoan trang và dịu dàng ấy đã chiến đấu 10 năm trời dưới mưa bom trên đường mòn Hồ Chí Minh. Bruce Weigl quá hiểu sự tàn khốc kinh hoàng của bom Mỹ trút xuống con đường ấy. Thế mà bây giờ, trước mắt ông, người phụ nữ hiện ra với toàn bộ sự dịu dàng, đoan trang và nhân ái.
Sau đó, Bruce Wegl viết: "Bây giờ tôi mới nhận ra một chân lý mà chưa nhà triết học nào trên thế giới phát hiện. Đó là sức mạnh bất diệt chỉ được chứa đựng trong một tấm lòng nhân ái nhất". Và ông nói: "Với tất cả những gì tôi chứng kiến và hiểu biết về lịch sử những cuộc chiến tranh vệ quốc của người Việt Nam, tôi nhận ra rằng: Những người phụ nữ Việt Nam là những người giữ cho lá cờ Tổ quốc của người Việt Nam không bao giờ gục xuống".
Có thể đó là điều gợi ý ông viết về người phụ nữ Việt Nam với hình ảnh lá cờ Tổ quốc. Người ta thường ví người phụ nữ như bông hoa, như ánh trăng, như áng mây, như một nốt nhạc... nhưng chưa ai ví họ như một lá cờ. Và tôi có thể khẳng định rằng: Hình ảnh một lá cờ bay kiêu hãnh và lộng lẫy là hình ảnh chính xác nhất về người phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh ấy là biểu tượng vĩ đại nhất, thẳm sâu nhất và trọn vẹn nhất về cuộc đời của biết bao người phụ nữ Việt Nam đã sống, đã yêu thương và đã dâng hiến cho Tổ quốc.
Và lúc này đây, toàn bộ tinh thần xúc động và thiêng liêng của tôi đang nhìn lên cao, nơi những lá cờ Tổ quốc bay lộng lẫy và kiêu hãnh trong nắng dưới bầu trời bất tận của xứ sở. Và tôi nhận ra gương mặt và cuộc đời của những người phụ nữ Việt Nam trên chính những lá cờ ấy.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn