Họa sĩ Mai Long đã các vẽ cuốn tranh truyện màu như "Âu Cơ - Lạc Long Quân", "Tấm Cám", "Sơn Tinh Thủy Tinh"… Cô Tấm trong truyện cổ tích "Tấm Cám" là một nhân vật quen thuộc.
Qua nét cọ của họa sĩ Mai Long, cô Tấm hiện lên với những nét đẹp truyền thống, mềm mại như làn da trắng, thân hình mảnh dẻ, mái tóc đen quấn đuôi gà cao, đôi môi chúm chím, chiếc yếm thắm, dải khăn nhung, thắt lưng xanh…
Người họa sĩ khắc họa thân phận cô Tấm qua những mụn vá trên chiếc áo và gương mặt cúi xuống vẻ khiêm nhường, cam chịu nhưng vẻ đẹp của cô Tấm vẫn hiển hiện một cách dịu dàng, thiện lành.
Khi khắc họa vẻ đẹp người phụ nữ trong lao động ở thôn quê qua bức tranh "Bắt cá", họa sĩ Mai Long nhấn vào vẻ đẹp của chiếc cổ kiêu ba ngấn, đến thắt eo, đôi cổ chân, làm sáng lên vẻ đẹp khỏe khoắn.
Hòa quyện với đó là các công cụ như nơm, vợt, khung cảnh sóng nước, bờ tre lúc trời hửng sáng. Họa sĩ đã chọn những sắc độ mực và màu tự nhiên trên lụa nhằm tập trung vào nội dung chuyển tải của tác phẩm.
Khung cảnh quân dân miền Nam cùng hoan ca, họa sĩ Mai Long đã rất tinh tế khi để hình ảnh chiếc khăn rằn đội trên đầu, quàng trên vai người dân, đặc biệt là các bé gái đang múa hát.
Hình ảnh người nữ du kích đứng giữa vòng tròn, đôi dép lốp, bộ quần áo bà ba cùng những mái tóc trẻ thơ trong một bưng biền tỏa bóng rặng bần, cây dừa nước đã phản ánh một khoảnh khắc bình yên, mát lành trong thời chiến.
Tranh của họa sĩ Mai Long là vậy, không sử dụng quá nhiều màu chói mắt. Ông chú trọng vào các đường nét, chi tiết làm nên chân dung, ngoại hình, tính cách và hành động của nhân vật. Họa sĩ Mai Long mê vẽ thiếu nữ trong trang phục áo dài.
Trong bức tranh mực và màu nước trên lụa nhan đề "Chân dung thiếu nữ", nhân vật mặc áo dài phớt tím hồng với vài họa tiết giản đơn.
Điểm nhấn chính là gương mặt của cô với những nét măng tơ phản ánh độ tuổi và cả nét điện ảnh qua gương mặt trái xoan được trang điểm kỹ lưỡng với đôi mắt to, đôi môi chúm chím, đôi lông mày mảnh, mái tóc mây dài tới ngang thắt eo cùng với những ngón tay thuôn dài sơn cùng màu áo.
Phụ nữ trong tranh của họa sĩ Mai Long là vậy, dù ở nông thôn, thành thị hay miền sơn cước đều được ông miêu tả có những ngón tay sinh động, thuôn dài, mảnh dẻ, mềm mại.
Tình mẫu tử cũng là một đề tài trở đi trở lại trong hội họa của Mai Long. Bức "Mẫu tử miền sơn cước" ra đời vào thập niên 80 của thế kỷ trước là một bức vẽ màu nước trên giấy dó.
Lựa chọn hai chất liệu này, cùng với những nét vẽ thể hiện sự quan sát kỹ lưỡng, họa sĩ đã khắc họa được tình yêu người mẹ dành cho đứa con nhỏ đang địu sau lưng qua cách ngoái nhìn và cánh tay đỡ lấy lưng con.
Một bức tranh theo khổ dọc với sắc lam nhạt và cam nhạt trên màu áo, màu hoa với những nét cọ đậm, nhạt như một bức thủy mặc thân thương, trìu mến. Đến bức vẽ mực và màu nước trên lụa được họa sĩ Mai Long đặt tên là "Mẹ và con" miêu tả hình ảnh người mẹ đang ngồi hong mái tóc dài bên cạnh cô con gái nhỏ tóc buộc đuôi gà đang chơi cùng một chú gà con.
Một khung cảnh dung dị thường ngày qua tranh của họa sĩ Mai Long gợi lên những xúc cảm dịu dàng, chữa lành tâm hồn.
Không chỉ vậy, tranh vẽ Thúy Kiều, vẽ người phụ nữ hiện đại hay tranh trừu tượng của họa sĩ Mai Long đã khắc họa được vẻ đẹp độc đáo, riêng có của hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong tác phẩm văn học, trong văn hóa nghìn đời của dân tộc ta.
Họa sĩ Mai Long sinh năm 1930 tại Hải Phòng, quê gốc Nam Định. Từ thuở thơ ấu, ông đã bộc lộ niềm đam mê với hội họa. Sau khi hoàn thành bậc học phổ thông, ông quyết tâm theo đuổi con đường nghệ thuật và là 1 trong số 21 học viên của khóa Mỹ thuật Kháng chiến do danh họa Tô Ngọc Vân trực tiếp đào tạo. Sau năm 1954, họa sĩ Mai Long công tác tại Xưởng Phim hoạt họa và búp bê Việt Nam (nay là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam). Ông có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển ngành phim hoạt hình của nước nhà. Họa sĩ Mai Long sáng tác thành công trên nhiều chất liệu từ phấn màu, sơn dầu, sơn mài và đặc biệt là lụa. Tháng 7/2024, ông qua đời ở tuổi 94 vì tuổi cao sức yếu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn